Sôi động cuộc đua cho vị thế dẫn đầu sản xuất chất bán dẫn

(PLO)- Cuộc đua về chất bán dẫn đang nóng hơn bao giờ hết khi một số nước bắt đầu đặt ra quy định kiểm soát xuất khẩu với các linh kiện liên quan đến sản xuất chip.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chất bán dẫn là chìa khóa cho một số công nghệ quan trọng như 5G, trí tuệ nhân tạo (AI), xe điện tự hành và internet vạn vật (IoT). Nhiều công nghệ trong số này có giá trị chiến lược trong quốc phòng, an ninh của nhiều quốc gia.

Với vai trò quan trọng như vậy, nhiều nước đã tăng cường đầu tư vào lĩnh vực sản xuất chất bán dẫn. Đồng thời, một số nước còn đặt ra các biện pháp hạn chế xuất khẩu liên quan đến lĩnh vực này.

Một nhà máy sản xuất chip ở bang Minnesota, Mỹ. Ảnh: REUTERS

Một nhà máy sản xuất chip ở bang Minnesota, Mỹ. Ảnh: REUTERS

Đẩy mạnh đầu tư, tăng cường ưu đãi

Chiến lược "Made in China 2025" của Trung Quốc (TQ) được đưa ra vào năm 2015 đã đặt sản xuất chất bán dẫn là một trong những mục tiêu hàng đầu. Vào đầu tháng 3, công ty Yangtze Memory Technologies Co (YMTC) - nhà sản xuất chip hàng đầu của Trung Quốc - đã nhận được thêm khoảng 7 tỉ USD từ các nhà đầu tư trong nước, theo tờ South China Morning Post.

Năm 2021, chính phủ Nhật cũng đã phê duyệt khoản tài trợ trị giá 774 tỉ yen (6,8 tỉ USD) cho hoạt động đầu tư chất bán dẫn trong nước. Theo đó, 617 tỉ yen dùng để tài trợ cho đầu tư vào năng lực sản xuất chip tiên tiến, 47 tỉ yen tài trợ cho lĩnh vực sản xuất chip analog, 110 tỉ yen dùng cho việc nghiên cứu và phát triển các chất bán dẫn thế hệ tiếp theo, theo hãng tin Bloomberg.

Tháng 8-2022, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký ban hành Đạo luật CHIPS và Khoa học, dự kiến hỗ trợ khoảng 50 tỉ USD để củng cố ngành công nghiệp bán dẫn trong nước.

Hồi tháng 11-2022, các nước EU đã đồng ý theo đuổi kế hoạch sản xuất chip trị giá 43 tỉ euro (44,4 tỉ USD). Theo kế hoạch này, EU sẽ mở rộng phạm vi của những nhà máy sản xuất chip được coi là “có một không hai” của khối.

Theo Bloomberg, bước đi này sẽ giúp EU tiến gần tới mục tiêu đầy tham vọng là sản xuất 20% chất bán dẫn của thế giới vào năm 2030.

Hồi tháng 1, cơ quan lập pháp Đài Loan đã thông qua các quy tắc ưu đãi mới cho các công ty sản xuất chip của vùng lãnh thổ này. Với quy định mới, chính quyền hòn đảo cho phép các công ty chip giữ lại một khoản thuế vốn phải nộp để đầu tư.

“Khi Mỹ, Nhật, Hàn Quốc (HQ) và Liên minh châu Âu đều đang đưa ra các ưu đãi lớn để xây dựng chuỗi cung ứng, Đài Loan cũng nên tăng cường khả năng cạnh tranh toàn cầu của các ngành công nghiệp” - cơ quan kinh tế Đài Loan cho biết.

Tổng thống Mỹ Joe Biden ký ban hành Đạo luật CHIPS và Khoa học. Ảnh: AP

Tổng thống Mỹ Joe Biden ký ban hành Đạo luật CHIPS và Khoa học. Ảnh: AP

Cuối tháng 3, Quốc hội HQ đã thông qua dự luật nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn của nước này. Theo đó, các công ty sản xuất chất bán dẫn tại HQ sẽ được giảm thuế.

Trước đó, HQ cũng tuyên bố sẽ xây dựng trung tâm chip lớn nhất thế giới, chủ yếu sử dụng khoảng 300.000 tỉ won (khoảng 230 tỉ USD) vốn đầu tư tư nhân từ công ty điện tử Samsung trong 20 năm tới. Theo kế hoạch, các cơ sở sản xuất chip sẽ được xây dựng tại nhiều địa điểm khác nhau ở tỉnh Gyeonggi từ nay đến năm 2042.

Cạnh tranh mạnh mẽ

Các nhà hoạch định chính sách của cả Mỹ và TQ xem chất bán dẫn là yếu tố quan trọng trong quá trình cạnh tranh giữa hai nước.

Tạp chí The Diplomat nhận định đối với TQ, đây là một vấn đề mang tính chiến lược vì TQ ngày nay phụ thuộc rất nhiều vào việc nhập khẩu chip từ Nhật, Mỹ. Trong khi đó, đối với Washington, những tiến bộ của Trung Quốc trong sản xuất chip đe dọa các lợi thế vốn có của các doanh nghiệp Mỹ.

Tháng 10-2022, Mỹ đã công bố các biện pháp kiểm soát xuất khẩu mới. Theo đó, các biện pháp này nhằm hạn chế TQ tiếp cận các công nghệ quan trọng, cấm chuyển giao, bán chất bán dẫn được sản xuất bằng công nghệ của Mỹ mà không có giấy phép xuất khẩu.

Ông Alan Estevez - Thứ trưởng Bộ Thương mại phụ trách về Công nghiệp và An ninh Mỹ cho biết: “Chúng tôi đang làm mọi thứ trong khả năng của mình để bảo vệ an ninh quốc gia và ngăn chặn việc quân đội, tình báo và cơ quan tình báo của TQ mua lại các công nghệ nhạy cảm”.

Theo tổ chức Observer Research Foundation (Ấn Độ), những hạn chế này có thể sẽ tác động đáng kể đến quá trình nghiên cứu của TQ trong các lĩnh vực như AI, điện toán hiệu năng cao và siêu máy tính.

Ông Hal Brands, chuyên gia tại Viện Doanh nghiệp Mỹ, cho rằng các biện pháp hạn chế nhằm “để cản trở sự năng động kinh tế, sức mạnh quân sự của TQ. Nó cũng phản ánh rằng Mỹ không thể giành chiến thắng trong cuộc cạnh tranh với TQ chỉ bằng cách chạy nhanh hơn; mà còn phải làm Bắc Kinh chậm lại”.

Yangtze Memory Technologies Co (YMTC) là một trong những nhà sản xuất chip hàng đầu của Trung Quốc. Ảnh: FINANCIAL TIMES

Yangtze Memory Technologies Co (YMTC) là một trong những nhà sản xuất chip hàng đầu của Trung Quốc. Ảnh: FINANCIAL TIMES

Tuy nhiên, Mỹ không phải là nước duy nhất áp dụng các biện pháp hạn chế xuất khẩu liên quan đến sản xuất chip.

Hôm 31-3, Bộ Thương mại Nhật cho biết nước này có kế hoạch áp đặt các hạn chế xuất khẩu đối với 23 loại thiết bị được sử dụng để sản xuất chất bán dẫn. Bộ trưởng Thương mại Nhật Yasutoshi Nishimura cho biết những hạn chế này nhằm đóng góp cho hòa bình và ổn định quốc tế.

“Chúng tôi không nhắm đến một quốc gia cụ thể nào với các biện pháp này”, ông Nishimura nói.

Chính phủ Hà Lan cho biết trong tháng 4, họ sẽ hạn chế xuất khẩu công nghệ vi mạch "tiên tiến nhất" của nước này để bảo vệ an ninh quốc gia. Bộ trưởng thương mại Hà Lan Liesje Schreinemacher tiết lộ các biện pháp này sẽ ảnh hưởng đến "những công nghệ rất cụ thể trong quá trình sản xuất chất bán dẫn".

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm