Hôm nay (19-4), Bộ Y tế sẽ đi giám sát tại BV Nhi đồng 1, Nhi đồng 2 và Bệnh nhiệt đới TP.HCM về tiếp nhận, điều trị bệnh sởi.
Sáng 18-4, tại khoa Nhiễm BV Nhi đồng 1 có hơn 40 trẻ điều trị nội trú bệnh sởi. Tại BV Nhi đồng 1, bệnh nhi Đỗ Tiến Đạt (10 tuổi, Tây Ninh) phải thở máy do biến chứng viêm phổi nặng. Tại hai bệnh viện Nhi đồng 2 và Bệnh nhiệt đới, con số cũng trên dưới 50 em. Khoảng 10% trẻ biến chứng viêm phổi phải thở oxy.
Sởi tấn công các tỉnh gần TP.HCM
Ở TP.HCM, số trẻ mắc sởi chủ yếu ở phía tây của TP như Bình Tân, Tân Bình, Bình Chánh, quận 6, quận 8… BS Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, cho biết tháng 1-2 năm 2014, số ca mắc sởi nhiều hơn những tháng cuối năm 2013 nhưng tháng 3 lên cao nhất với 120-130 ca nhập viện/tuần và hiện nay giảm xuống còn khoảng 100 ca/tuần. “Với việc truyền thông mạnh mẽ và tiêm vaccine, hy vọng bệnh sẽ giảm” - BS Dũng nói. Hiện việc tiêm vét vaccine ngừa sởi của TP đã đạt khoảng 60% trong hơn 100.000 trẻ thuộc diện phải tiêm.
BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm BV Nhi đồng 1, cũng cho biết hiện sởi cũng đã “tấn công” qua các tỉnh lân cận như Bình Phước, Bình Dương, Tây Ninh, Long An, Tiền Giang… chiếm 30% số ca nhập viện ở đây. Do vậy tình hình sắp tới có thể sẽ khó khăn hơn trong phòng, chống sởi.
Riêng về phân tuyến, tại TP.HCM đã tập huấn cho các quận/huyện, họ cũng đã bắt đầu điều trị bệnh sởi. BS Khanh khuyến cáo bệnh sởi nếu không có biến chứng thì có thể điều trị ở nhà, trạm y tế phường/xã, nếu biến chứng suy hô hấp thì điều trị ở quận, huyện. Trong điều trị sởi, nếu trẻ biến chứng viêm phổi thì trị kháng sinh, nếu không thì điều trị triệu chứng, tăng cường sức khỏe, vệ sinh môi trường, nhà cửa, bàn tay…
Bệnh nhân mắc sởi tại BV Nhi đồng 1. Ảnh: TÙNG SƠN
Nặng - nhẹ có thể do vùng miền
Đặt vấn đề có hay không việc biến đổi chủng virus gây sởi khi miền Bắc trẻ nặng hơn và tử vong cao hơn miền Nam, BS Khanh khẳng định đến thời điểm hiện tại là chưa có cơ sở nói virus biến đổi. Theo BS Khanh, vấn đề chính là do quá tải, nhân sự làm không nổi, trẻ nặng không được chăm sóc tốt.
BS Trương Hữu Khanh và BS Nguyễn Đắc Thọ, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, đều có chung nhận định việc dừng tiêm vaccine Quinvaxem là nguyên nhân khiến bệnh sởi bùng phát và cách giải quyết duy nhất là tiêm bù đủ thì mới hy vọng hết dịch.
“Tháng 5-2013 tạm dừng tiêm vaccine Quinvaxem nên những trẻ mới sinh từ tháng 1, 2, 3 năm 2013 về sau không được quản lý, tức cha mẹ không ra trạm y tế để được tư vấn là tiêm sởi vào lúc chín tháng tuổi cho trẻ. Khi cho tiêm Quinvaxem lại vào tháng 11-2013, nhiều trẻ không tiêm luôn vì tâm lý sợ biến chứng” - BS Thọ giải thích.
Các chuyên gia diễn giải ở miền Bắc, sởi nhiều và biến chứng nhiều có thể do thời tiết lạnh hơn. Cũng như cúm A phát triển mạnh ở vùng khí hậu lạnh. Miền Nam thì ngược lại, sốt xuất huyết và tay-chân-miệng mắc và biến chứng nhiều hơn miền Bắc. “Sởi là bệnh lây lan virus nhiều nhất trong các bệnh truyền nhiễm và động lực virus sẽ khác nhau tùy theo sức đề kháng, thời tiết, vùng miền và tùy vào sức khỏe của cộng đồng, cá nhân. Do vậy, Nhà nước truyền thông cho dân cư lâu dài để người dân ý thức thực hiện phòng bệnh, tiêm vaccine, còn người dân phải tự giác thực hiện phòng bệnh thì mới khống chế được sởi” - BS Thọ nói.
DUY TÍNH
Vừa tiêm vaccine ngừa sởi hai ngày thì mắc sởi Bé Đoàn Huỳnh Minh Thư (một tuổi, quận Tân Bình) nhập BV Nhi đồng 1 đã ba ngày. Theo lời ba mẹ bé, em vừa tiêm sởi được hai ngày thì mắc luôn! Nghe lời những người già, ba mẹ ra mua thuốc Bắc về cho uống nhằm “sổ” ban một lần cho hết. Tuy nhiên, khi uống xong, bé nổi ban nhiều quá, đi khám về và uống thuốc không khỏi nên ba mẹ đưa em vào nhập viện. Nhiều trẻ khác ở Long An, Tây Ninh, Tiền Giang… mặc dù đã 17-18 tháng tuổi vẫn chưa được tiêm sởi. Theo giải thích của ba mẹ các em, do đến ngày tiêm thì các em bị bệnh nên không tiêm được! |