Theo BS Diệp, nên cho trẻ ăn thực phẩm có chất đạm (thịt gà, thịt heo, cá…); thực phẩm giàu vitamin A, B, C, kẽm, canxi (bí đỏ, cà rốt, cà chua, cải xanh…); trái cây (cam, táo, bưởi, dưa gang…). “Thức ăn phải nấu loãng dưới dạng súp, cháo để dễ tiêu hóa. Cho trẻ dùng thức ăn ấm (không quá nóng cũng không quá nguội) và chia nhỏ các bữa ăn” - BS Diệp lưu ý.
Trẻ bệnh sởi thường bị sốt nên mau mất nước. Do vậy nên cho trẻ uống nhiều nước trái cây, nước nấu chín… để bù lượng nước đã mất, đồng thời giúp đào thải độc tố và giúp chuyển hóa các chất trong cơ thể dễ dàng hơn. “Giữ trẻ luôn sạch sẽ bằng cách tắm nước ấm. Cho trẻ mặc quần áo thoáng mát. Không ít phụ huynh ngại đưa trẻ ra ngoài gió, điều này không nên” - BS Diệp cho biết thêm.
Trong khi đó, BS Trần Văn Năm, Phó Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM, cho biết nhiều bậc cha mẹ dùng gốc rạ nấu nước cho trẻ tắm để mong dứt bệnh sởi. Điều này không nên vì có thể gây nhiễm trùng ngoài da cho trẻ. “Muốn nấu nước tắm cho trẻ bệnh sởi thì có thể sử dụng một số thực vật có tác dụng kháng sinh, kháng viêm như kinh giới, tía tô, cỏ mần trầu, bạc hà, lá khổ qua… Tuy nhiên, cần phải rửa sạch các loại thực vật nói trên để loại hết thuốc trừ sâu và chỉ sử dụng cho trẻ chưa bị biến chứng nặng của sởi, không bị nhiễm trùng da để tránh tổn thương nặng ngoài da” - BS Năm khuyên.
Hiện có phụ huynh sử dụng hạt mùi (ngò) để nấu nước tắm cho trẻ bệnh sởi. Theo BS Năm, điều này không nên vì hạt mùi không được sử dụng phổ biến, lại chưa xác định được khả năng điều trị bệnh sởi.
TRẦN NGỌC - HỮU PHƯỚC