Sớm đưa vaccine sốt xuất huyết Nhật Bản về Việt Nam

(PLO)- Vaccine phòng sốt xuất huyết của Nhật Bản dự kiến thời gian tới sẽ cấp giấy phép lưu hành tại Việt Nam.

Ngày 28-9, Viện Pasteur TP.HCM đã tổ chức hội thảo “Các định hướng và giải pháp nâng cao hiệu quả phòng chống Sốt xuất huyết Dengue (SXHD) tại Việt Nam”.

Đại diện đơn vị này cho biết trong thời gian sắp tới, vaccine phòng bệnh sốt xuất huyết (SXH) của Nhật Bản sẽ sớm được tiếp cận với người dân Việt Nam.

Theo đó, vaccine phòng bệnh SXH của Nhật Bản có tên là QDENGA (đọc là quy-den-ga) đã được cấp phép sử dụng tại hơn 30 quốc gia bao gồm Liên minh châu Âu, Anh, Argentina, Indonesia, Brazil, Thái Lan...

Kết quả thử nghiệm cho thấy vaccine có thể tạo phản ứng miễn dịch ở mức độ khác nhau đối với cả bốn chủng virus Dengue đang lưu hành trên thế giới, giúp phòng bệnh và giảm khả năng nhập viện ở người mắc SXH.

Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã ghi nhận 81.808 ca mắc SXH trong năm 2023, với 23 trường hợp tử vong. WHO khuyến cáo, trong năm 2023 và 2024, hiện tượng biến đổi khí hậu và El Nino có thể thúc đẩy muỗi sinh sản, làm gia tăng sự lây truyền SXH và các bệnh do muỗi truyền.

hoi-thao-sot-xuat-huyet.jpg
Các chuyên gia tham dự hội thảo trao đổi các giải pháp để phòng ngừa và kiểm soát sốt xuất huyết ở Việt Nam.

Tại hội thảo, các chuyên gia y tế trong nước và quốc tế đã cùng thảo luận về các sáng kiến và phương pháp nhằm nâng cao hiệu quả phòng chống SXH tại Việt Nam. Đồng thời, tìm ra những biện pháp can thiệp mới có thể tăng cường quản lý việc lây truyền SXH.

PGS. TS. BS. Nguyễn Thanh Hùng, Giám Đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 cảnh báo, SXHD là mối đe dọa lớn ở Việt Nam cũng như các nước khác trên thế giới do những hậu quả sức khỏe nghiêm trọng.

Ngoài nguy cơ về sức khỏe, SXHD còn đặt gánh nặng kinh tế lên cá nhân và cộng đồng. Từ sơ sinh đến người cao tuổi đều có thể bị SXHD tuy nhiên lứa tuổi bị SXHD nhiều nhất vẫn là học sinh. Ngoài ra, bệnh còn ảnh hưởng lâu dài đến tâm lý của bệnh nhân, cộng đồng và tác động không nhỏ tới an sinh xã hội.

Ở góc độ y tế, số bệnh nhân SXHD gia tăng qua các năm đã gây ra áp lực quá tải đối với các BV, dẫn đến quá tải hệ thống y tế, thiếu nguồn nhân lực chăm sóc, điều trị bệnh nhân đúng mức.

Để duy trì năng lực điều trị trong các cơ sở y tế, theo BS Hùng, điều quan trọng hơn là cần sự phối hợp chặt chẽ giữa hệ thống điều trị và dự phòng, kết hợp với việc tuyên truyền tư vấn cho người dân về bệnh SXHD để triển khai hiệu quả việc phòng ngừa bệnh SXHD giúp giảm số bệnh nhân SXHD như diệt muỗi, diệt lăng quăng; tiêm phòng vaccine phòng ngừa bệnh SXHD khi có vaccine hiệu quả ngừa SXHD.

ThS.BS Lương Chấn Quang, Phó Trưởng Khoa Kiểm soát Phòng ngừa bệnh tật, Viện Pasteur TP.HCM, nhận định cầnkết hợp học hỏi từ các mô hình kiểm soát dịch tiến bộ tại các quốc gia có điều kiện khí hậu và dịch bệnh tương tự với Việt Nam như Indonesia, Thái Lan.

Bên cạnh đó, cần có sự chung tay của cộng đồng y tế và xã hội mới có thể xây dựng được mô hình kiểm soát dịch mạnh mẽ, toàn diện và có tính bền vững hơn.

Các chuyên gia tham dự hội thảo cho rằng cần thiết phải có một giải pháp bền vững và lâu dài để phòng ngừa và kiểm soát SXH ở Việt Nam. Điều này đòi hỏi không chỉ các biện pháp lâm sàng và phòng ngừa mà còn cả những nỗ lực và hợp tác công - tư trong việc chống dịch SXH.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm