TP.HCM dự kiến mất 10 tháng khám sức khỏe gần 1 triệu người cao tuổi

(PLO)- TP.HCM dự kiến mất khoảng 10 tháng để hoàn tất khám sức khỏe cho gần 1 triệu người cao tuổi trên địa bàn.

Ngày 28-9, Sở Y tế TP.HCM thông tin vừa tổ chức Hội nghị sơ kết Triển khai thí điểm khám sức khỏe, phát hiện sớm bệnh không lây nhiễm ở người cao tuổi trên địa bàn TP.HCM năm 2023 vào chiều 27-9.

Theo TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, để chuẩn bị cho mục tiêu khám sức khỏe cho gần 1 triệu người cao tuổi trên địa bàn TP vào năm 2024, Sở Y tế đã triển khai một đợt thí điểm khám sức khỏe người cao tuổi tại 22 quận, huyện, thành phố Thủ Đức với 70 trạm y tế (TYT) tham gia.

Trong 7 tuần (từ ngày 07-8 đến 26-9-2023), có khoảng 17.000 người cao tuổi được khám sức khỏe tại 70 TYT phường, xã, thị trấn. Với kết quả này, TP dự kiến mất khoảng 10 tháng để hoàn tất khám sức khỏe cho gần 1 triệu người cao tuổi trên địa bàn.

kham-suc-khoe.jpg
Người cao tuổi được khám sức khỏe miễn phí tại TYT phường 9, quận 8. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

BS Châu cho biết trước đây mỗi quận, huyện thực hiện khám sức khỏe cho người cao tuổi chưa có sự đồng nhất, theo những cách và thông tư khác nhau. Với việc triển khai thí điểm khám sức khỏe này nhằm giúp ngành y tế vận hành thử hệ thống mới, có quy trình đồng nhất về cách khám sức khỏe tại các TYT. Qua đó, TP sẽ triển khai khám đồng loạt cho tất cả người cao tuổi để đưa vào quản lý và chăm sóc điều trị vào năm 2024.

Qua đợt thí điểm khám sức khoẻ này, lần đầu tiên TP có số liệu về chất lượng cuộc sống của người cao tuổi. Cụ thể, chương trình ghi nhận 16,27% người cao tuổi có dấu hiệu tiền suy yếu, 0,45% có dấu hiệu suy yếu; 28,88% người có nguy cơ té ngã; 1,60% người phụ thuộc vào các hoạt động sống cơ bản hằng ngày (tắm, mặc quần áo, ăn uống, vệ sinh, tiêu tiểu, di chuyển); 6,54% người phụ thuộc vào các hoạt động sinh hoạt hàng ngày (khả năng sử dụng điện thoại, mua sắm, chuẩn bị thức ăn, dọn dẹp nhà cửa, giặt giũ.....).

Qua chương trình này, ngành y tế TP bước đầu đạt được một số kết quả. Cụ thể, tạo được sự đồng thuận ở các cấp lãnh đạo, các cấp chính quyền và nhân dân; Thống nhất nội dung khám sức khỏe cho tất cả người cao tuổi tại 22 quận, huyện; Thống nhất quy trình khám sức khỏe tại tất cả các trạm y tế.

Đảm bảo mỗi người cao tuổi trên địa bàn TP đều được khám sức khỏe định kỳ một lần/năm; Số hóa toàn bộ dữ liệu khám sức khỏe người cao tuổi trên địa bàn TP; Tạo được dữ liệu lớn về sức khỏe ban đầu của người cao tuổi trên địa bàn TP, chuẩn bị sẵn sàng liên thông với hồ sơ sức khỏe điện tử.

Bước đầu nhận diện mô hình sức khoẻ của người cao tuổi đang sinh sống trên địa bàn TP; Ghi nhận dữ liệu ban đầu về chất lượng cuộc sống của người cao tuổi tại các địa phương; Thu hút người dân đến khám, chữa bệnh ban đầu tại các TYT phường, xã, thị trấn; Phát hiện, quản lý, điều trị bệnh không lây nhiễm theo hướng dẫn Bộ Y tế tại tuyến y tế cơ sở.

Sắp tới ngành y tế sẽ tiếp tục triển khai kế hoạch khám sức khỏe, tầm soát bệnh mạn tính không lây cho tất cả người cao tuổi trên địa bàn TP; Mở rộng mô hình thí điểm gói can thiệp thiết yếu về bệnh không lây nhiễm trong chăm sóc sức khỏe ban đầu tại tuyến y tế cơ sở trên địa bàn TP.HCM (WHO PEN) cho 310 TYT.

Mở rộng danh mục thuốc tại TYT đảm bảo nhu cầu điều trị của người dân trên địa bàn; Chuẩn hóa danh mục dịch vụ y tế cơ bản tại TYT; Xây dựng chương trình tập huấn cho các TYT, đảm bảo tất cả các cơ sở đều thực hiện được chuẩn dịch vụ y tế cơ bản.

Đảm bảo tất cả các TYT đều triển khai khám, chữa bệnh BHYT ban đầu và kiến nghị cơ quan bảo hiểm xã hội cho phép người bệnh có thẻ BHYT ban đầu ở tuyến trên được khám bệnh, chữa bệnh tại tuyến y tế cơ sở.

Tổ chức tập huấn và tái tập huấn cho các TYT về tầm soát, phát hiện, quản lý, điều trị và chăm sóc người cao tuổi tại địa phương; Tăng cường giám sát hỗ trợ TYT triển khai các hoạt động chuyên môn; Liên thông dữ liệu khám sức khỏe vào hồ sơ sức khỏe điện tử và phần mềm báo cáo bệnh không lây nhiễm do Tổ chức y tế thế giới triển khai.

Phối hợp Sở LĐ-TB&XH xây dựng mô hình chăm sóc phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng để nâng cao chất lượng cuộc sống cho người cao tuổi tại các địa phương; Phối hợp Sở Thông tin truyền thông tăng cường truyền thông về chiến lược khám sức khỏe người cao tuổi, thay đổi suy nghĩ về mô hình chăm sóc phát hiện bệnh tại TYT.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm