Quảng cáo thượng vàng hạ cám, mọi lúc mọi nơi, từ tivi đến những màn hình lắp cảba mặt trong thang máy; từ những tấm panô, áp phích khổng lồ trên xa lộ, quảng trường đến những tờ rơi, danh thiếp bé tí tẹo nhét đầy thông tin trong đó được phát tay ở các ngã ba, ngã tư đường.
Ăn gian sóng
Mở tivi ra bất cứ kênh nào, chương trình nào cũng đều phải nghe, phải thấy quảng cáo chen vào, dĩ nhiên giữa những đoạn hấp dẫn nhất. Cô Tiên chủ quán cà phê ở đầu đường gần nhà tôi gặp khách nào cô cũng than phiền chuyện quảng cáo trên tivi. Cô đang hồi hộp theo dõi bộ phim Đơn giản tôi là Maria phát trên VTV1 mỗi trưa, gặp tôi mới bước vô quán, cô bực bội bảo: “Ông nghĩ coi, họ “ăn gian” mình, cứ chiếu được 15 phút, tới chỗ hồi hộp là họ cúp, chiếu quảng cáo đến cảnăm phút. Chờ mỏi cảcổ mới coi được một chút lại quảng cáo. Mà cứ mấy cái quảng cáo đó chiếu đi chiếu lại hoài, đến nỗi thằng con tui nó thuộc làu làu. Rồi buổi chiều tui coi chương trình sức khỏe, cứ ông bác sĩ nói mấy phút lại quảng cáo thuốc Bắc, thuốc Nam, thực phẩm chức năng đủ thứ. Thiệt là mệt!”.
Thấy cô Tiên tỏ vẻ khó chịu, tôi giả lả: “Chính tôi cũng điên cái đầu vì quảng cáo. Tôi gần như bị tra tấn vì quảng cáo. Sáng sớm bước vô thang máy đã nghe ra rả quảng cáo, một bên giới thiệu máy lạnh, một bên giới thiệu máy nước nóng, giống như chửi nhau. Ở chỗ làm, phòng tôi trên lầu, tôi ngồi ở ngay cửa kính ngó ra quảng trường suốt ngày cứ phải nhìn cái panô khổng lồ in ảnh cô người mẫu ăn mặc sexy ngồi trên chiếc mô tô như sắp chạy phóng qua đường đâm vào mình. Có đêm về nhà tôi còn bị ám ảnh trong giấc ngủ...”. Ông Ba “xe ôm” nói chen: “Nói chuyện cái bảng, tôi nhớ hôm nọ trời mưa lớn, tôi suýt chết vì cái bảng quảng cáo bị gió thổi bay gần trúng đầu... Họ treo bảng quảng cáo chi mà to thấy ghê. Họ còn cho quảng cáo cảtrên xa lộ, đường cao tốc thật hết sức nguy hiểm, vì vừa chạy xe vận tốc cao vừa nhìn quảng cáo khác chi tự sát!”.
Chi phí quảng cáo: Trăm phí đổ đầu người tiêu dùng
Nhiều người đâu biết rằng giá quảng cáo trên tivi rất cao, họ tính từng giây đó. Tất tần tật đều tính vào giá thành sản phẩm và người tiêu dùng phải gánh hết chứ ai. Hôm rồi tôi ngồi ăn tối với một người bạn giảng viên trường tài chính kế toán, chợt có hai bạn trẻ cũng vào quán, bước tới chào thầy. Anh bạn nhà giáo cho biết đó là mấy em sinh viên trường marketing mà thỉnh thoảng anh sang dạy, dạng thỉnh giảng. Tôi bảo các em cùng ngồi cho vui. Các em ngại nhưng cũng ngồi với chúng tôi một lúc rồi xin phép sang bàn khác vì có bạn sắp đến. Trong cuộc trò chuyện ngắn ngủi khi nghe tôi hỏi về marketing, PR, quảng cáo, một em cho biết đám bạn em vừa làm một cuộc điều tra bỏ túi về chi phí quảng cáo cho các sản phẩm của một công ty dược và thực phẩm chức năng mà em vẫn phải nghe thấy quảng cáo mỗi chiều trên tivi khi ngồi ăn cơm với gia đình.
Theo kết quả cuộc điều tra bỏ túi này thì các mặt hàng của công ty được bào chế dạng viên và các loại thực phẩm chức năng là có tỉ lệ tiền quảng cáo trên giá thành xuất xưởng cao nhất, có lẽ chỉ thua mỹ phẩm. Em cho biết có loại chi phí quảng cáo chiếm 200%-300% giá thành. Nghĩa là một viên thực phẩm chức năng giá xuất xưởng 1.000 đồng sẽ tăng thành 2.000 hoặc 3.000 đồng và người tiêu dùng sẽ phải mua 4.000-5.000 đồng/viên. Trăm phí đổ lên đầu người tiêu dùng. Hầu hết đối tượng sử dụng là người cao tuổi, cán bộ hưu trí có thu nhập thấp nhưng nghe quảng cáo bùi tai quá bèn mua và phải uống 3-6 tháng mới có kết quả, quả là rất tốn kém.
Không biết ngành y tế có quan tâm và có biện pháp gì để quản lý giá cả bên cạnh việc kiểm soát chất lượng ghi trên bao bì được in rất đẹp, bắt mắt không?