Đầu tiên, vụ cháy ở nhà máy Rạng Đông khiến những cư dân ở gần khu vực này phải đứng trước một lựa chọn đi hay ở.
Tác hại của thủy ngân chưa kịp vơi thì ứng dụng giám sát chất lượng không khí AirVisual lại khiến Hà Nội lao đao khi chỉ số IQAir trở thành điều lo lắng trong mỗi ngày thức dậy của người dân thủ đô. Điều này gắn liền với từ khóa “bụi mịn”. Nhưng “bụi mịn” hay ứng dụng nêu trên dù đáng lo ngại thì vẫn là những sự lo ngại lửng lơ. Bởi nó ở đâu đó ngoài không khí, không mùi, không vị và không thể sờ vào được.
Sự bàng quan của ai đó lại được cung cấp bởi một thực tế sinh động hơn, hiện hữu hơn “nước được cho là sạch”. Được cho là bởi từ trước tới nay, trong phát ngôn lẫn nhiều văn bản hành chính, các cư dân luôn được cung cấp nước sạch và phải trả tiền cho điều đó.
Sau rất nhiều lời kêu ca, than vãn, người ta mới tìm ra nguồn cơn của mùi trong nước là do nhiễm dầu thải từ đầu nguồn, được nhà máy vận chuyển đến từng nhà thông qua đường nước sạch.
Người dân khu chung cư HH Linh Đàm (Hoàng Mai, Hà Nội) xếp hàng lấy nước sạch từ xe téc. Ảnh: CTV
Người dân ở các vùng chịu ảnh hưởng bởi nguồn nước, đặc biệt là những người lớn tuổi những ngày này được lặp lại một chuyện họ tưởng đã là quá khứ: Xếp hàng chờ nước. Rồng rắn đợi chờ. Trẻ con thậm chí cũng được bố mẹ hô hào tham gia vào công cuộc đưa nước sạch về nhà.
“Hà Nội - Paris: Có biên giới nào cho ô nhiễm không khí”, đó là tên một buổi tọa đàm vừa diễn ra ở Hà Nội. Các chuyên gia, diễn giả đến từ cả ta và Paris đều có những đánh giá, phân tích chuyện môi trường, ô nhiễm từ quá khứ đến hiện tại, từ nguy cơ đến những khả năng hiện hữu. Cũng giống như Việt Nam ngày nay, thành phố hoa lệ nước Pháp đã từng lo ngại về vấn đề này, chỉ có điều chưa nghiêm trọng như những gì đang diễn ra. Họ ứng phó với điều đó bằng cách nào? Họ xây dựng những không gian xanh, họ hạn chế xe hơi, nhường đường cho xe đạp và người đi bộ.
Cuối cùng, họ đã có một thành phố không bị bụi mịn đe dọa. Và những người đứng đầu thành phố vẫn chưa buông bỏ nỗ lực tiếp tục làm cho thành phố này tiếp tục trong sạch hơn.
Cũng tại buổi tọa đàm, bà Lê Thanh Thủy (Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội) đưa đến câu chuyện giữa chính quyền và người dân. Trong khi chính quyền đã và đang hành động, cụ thể là chính quyền đã khuyến cáo việc đốt rơm rạ hay sử dụng bếp tổ ong thế nhưng vẫn chưa thay đổi.
Từ đó bà nêu quan điểm: Chính người dân cũng không thực hiện cam kết của mình.
Với điều này không cần nhiều sự kiểm chứng, bởi sự cam kết của người dân đối với môi trường là có thật. Đốt rơm rạ hay bếp tổ ong chỉ là một dẫn chứng điển hình, góp phần cho sự ô nhiễm của Hà Nội chắc chắn có đóng góp không hề nhỏ của người dân.
Hà Nội những ngày này đã se se lạnh, một tiết trời điển hình của mùa thu. Nhưng chắc chắn rằng mùa thu nay cũng là một mùa thu đặc biệt của những người cư ngụ ở Hà thành. Bởi hình như trong hơi gió có bụi mịn về theo…