Ở Hà Nội, những chung cư đầu tiên ra đời vào đầu những năm 1980 ở Thanh Xuân, Giảng Võ. Chung cư xuất hiện ở Sài Gòn sau năm 1954 và được xây dựng ở TP.HCM nhiều hơn bắt đầu từ năm 2000.
Một người nhếch nhác, tất cả chịu đựng
Theo nghiên cứu của chúng tôi, đến nay các chung cư dành cho người thu nhập cao có tình trạng tương đối ổn. Những chung cư có vấn đề về lối sống hầu hết thuộc diện tái định cư, nhà ở xã hội, nhà chính sách, nhà thương mại giá trung bình và thấp. Với nhiều cư dân, căn hộ chung cư không chỉ để ở mà còn là nơi mưu sinh. Họ bán cà phê, tạp hóa, làm hàng mã, may đồ gia công hoặc thích hát hò, chạy giỡn thì cứ làm tùy hứng. Họ mang tất cả thói quen sống tự do đã định hình ở nông thôn, kênh rạch, các xóm nghèo lên chung cư cao tầng, tạo ra một xã hội rất lộn xộn “mạnh ai nấy sống”, không ai chịu nhường ai.
Không phải mọi người sống trong chung cư đều làm như thế nhưng chỉ cần một, hai hộ gia đình sống vô tổ chức là tất cả phải chịu đựng. Hình ảnh sống trong chung cư nhếch nhác làm cho rất nhiều người ngần ngại, tạo ra suy nghĩ không hay kiểu “hết đường mới lên chung cư”.
Chấm dứt tình trạng này là rất khó, bởi sự không tương thích giữa đặc tính của người chủ sở hữu và lối sống cố hữu, tuy nhiên vẫn có cách giảm bớt tình trạng này.
Trước hết, tiến dần đến việc giao các chung cư cho các đơn vị quản lý chuyên nghiệp. Ở các nước, không có chuyện quản lý chung cư lại chính là nhà đầu tư trước đó cố trì hoãn để khai thác thêm lợi nhuận dẫn đến xung đột lợi ích. Cũng không thể giao phó hoàn toàn cho ban tự quản nhân dân, bởi họ không có tư cách pháp nhân nên quản lý rất khó. Các đơn vị quản lý chuyên nghiệp sẽ biết cách điều hành, điều chỉnh những sai sót trong đời sống chung cư theo luật định.
Thứ hai, tất cả người dân cùng với ban quản lý chung cư bàn bạc đi đến thống nhất các nguyên tắc sống chung và ghi thành văn bản, quy định cái gì nên và không nên làm, cái gì không được làm. Đại diện các chủ hộ ký vào bản cam kết và nó trở thành nội quy điều chỉnh hành vi của mọi công dân chung cư, ai cũng phải tôn trọng, phải thực hiện. Các hộ gia đình vi phạm sẽ bị phê bình, nhắc nhở trong các cuộc họp chung cư hoặc nêu tên trên bảng thông tin khu phố (theo cam kết đã ký).
Các hộ dân tại khu chung cư Hùng Vương, phường 11, quận 5, TP.HCM trong một lần đăng ký thi đua khu chung cư văn hóa. Ảnh: HTD
Rước họa vì tùy tiện, cẩu thả
Ngoài ra, mỗi người cần tự ý thức về cuộc sống chung cư. Nhiều người cho rằng “nhà của tôi, tôi muốn làm gì thì làm”. Điều đó có thể đúng phần nào khi anh sống ở nhà đơn lẻ. Còn khi anh sống trong căn hộ thì anh chỉ là một phần nhỏ không tách rời chung cư; chung cư là “ngôi nhà chung cho mọi cư dân”. Cùng sống chung trong một không gian sinh tồn, mỗi hành vi xấu của mình không chỉ ảnh hưởng đến người khác mà chính mình và gia đình mình cũng lãnh hậu quả.
Khi ném một bịch rác xuống đất, ta xoa tay vậy là xong nhưng đâu có biết nó góp phần làm tắc hố ga khiến nước bẩn, nước mưa không thoát được làm ngập hầm xe, ngập sân chung và ảnh hưởng đến móng nhà, lâu ngày làm lún sụt, nhà bị nứt, nghiêng… Vậy là ai cũng lãnh đủ. Một hệ thống ống thoát nước dù to mấy cũng bị tắc nếu chị em ném vào đó một vài miếng băng vệ sinh. Nước bẩn sẽ ngấm qua sàn, len đến tận từng căn hộ. Ai đó đốt vàng mã xong, ném cả đống lửa cháy đỏ phừng phừng vào ống dẫn rác làm cháy lan và có thể vài người sẽ tử vong từ việc làm ẩu tả này. Việc bắt thang máy chạy hoài để dỗ cho con ăn, đến lúc thang máy hỏng, tất cả sẽ lội bộ lên tầng cao mệt đứt hơi. Những hệ quả như thế dễ thấy nhưng có những thứ không thấy ngay nhưng rất tai hại. Một đứa trẻ tè xuống nhà người khác, ném rác xuống đầu người khác rất có thể đã học từ người lớn, lâu dần thành thói quen xấu, ra đời bị bạn bè chê cười.
Nếu mỗi người tự ý thức được về “chung cư của chúng ta” thì nhất định những hành vi phản cảm sẽ dần được loại trừ. Hình ảnh chung cư sẽ văn minh và hấp dẫn hơn.