Sốt giá đất nền tại nhiều địa phương từ đầu năm

(PLO)- Cuối quý I, đầu quý II đã xảy ra hiện tượng tăng giá đột biến, thậm chí sốt giá đất nền tại nhiều địa phương. Tại TP Thủ Đức (TP. HCM), giá đất nền đều ở ngưỡng trên 200 triệu đồng/m2.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 14-7, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội Nghị phát triển thị trường bất động sản (BĐS) an toàn, lành mạnh, bền vững.

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ thị trường BĐS có vai trò rất quan trọng trong giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, thúc đẩy tăng trưởng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tại hội nghị. Ảnh: VGP

Thủ tướng Phạm Minh Chính tại hội nghị. Ảnh: VGP

Hôm nay, Chính phủ tổ chức Hội nghị nhằm đánh giá thực trạng thị trường BĐS, khẳng định và phát huy những kết quả, thành tựu đã đạt được, nêu rõ, chấn chỉnh những hạn chế, bất cập, những vấn đề nổi lên... Từ đó, đề xuất giải pháp về lãnh đạo chỉ đạo, đề ra quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ… đối với lĩnh vực BĐS và các lĩnh vực liên quan để đảm bảo thị trường tiếp tục phát triển ổn định, lành mạnh và bền vững.

"Tinh thần là không hình sự hóa các quan hệ kinh tế - dân sự nhưng ai sai phạm thì phải xử lý; bảo vệ, khuyến khích những người làm đúng, những người làm ăn chân chính, hiệu quả" - Thủ tướng nhấn mạnh.

Sốt giá đất nền tại nhiều địa phương

Báo cáo của Bộ Xây dựng gửi Thủ tướng Chính phủ mới đây cho thấy trong năm 2021, mặc dù nền kinh tế có sự giảm phát do ảnh hưởng của đại dịch nhưng giá BĐS vẫn liên tục tăng từ đầu năm.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị báo cáo tại hội nghị. Ảnh: VGP

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị báo cáo tại hội nghị. Ảnh: VGP

Cụ thể, giá căn hộ chung cư đã tăng bình quân khoảng 5 –7%. Tại các các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM, hầu như không có căn hộ có giá 25 tr/m2. Trong khi đó, giá nhà ở riêng lẻ trong dự án tăng 15-20%. Tại Hà Nội, TP.HCM, nhà ở riêng lẻ trong dự án có mức giá phổ biến khoảng trên dưới 100 tr/m2, các dự án khu vực trung tâm lên đến trên 200 tr/m2.

Giá đất nền cũng tăng 20-30% so với thời điểm cuối năm 2020. Đặc biệt, tại thời điểm cuối quý I, đầu quý II đã xảy ra hiện tượng tăng giá đột biến, thậm chí sốt giá đất nền tại nhiều địa phương.

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, số lượng dự án nhà ở thương mại hoàn thành trên cả nước có xu hướng giảm dần qua các năm 2020, 2021, nguồn cung nhà ở thương mại trong 6 tháng đầu năm 2022 rất hạn chế.

Cụ thể, trong năm 2021, tổng số dự án nhà ở thương mại hoàn thành là 172 dự án, quy mô hơn 24.000 căn (bằng khoảng 60% số dự án và 42% số lượng căn so với năm 2020)

Trong 6 tháng đầu năm 2022, số lượng dự án nhà ở thương mại được chấp thuận mới và hoàn thành vẫn hạn chế, chưa cho thấy sự cải thiện về nguồn cung nhà ở thương mại.

Tổng lượng dự án nhà ở thương mại hoàn thành trong 6 tháng đầu năm tổng hợp sơ bộ khoảng 12.000 căn, tương đương cùng kỳ năm 2021.

Về nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân đã hoàn thành 279 dự án nhà ở xã hội, quy mô xây dựng khoảng 148.000 căn với tổng diện tích hơn 7,4 triệu m2; đang tiếp tục triển khai 355 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 377.000 căn, với tổng diện tích gần 19 triệu m2.

Báo cáo dẫn chứng đất nền ở xã Tân Lợi, An Khương (tỉnh Bình Phước) đột ngột sốt nóng trước thông tin sắp có quy hoạch mở rộng sân bay Técníc Hớn Quản, một mét ngang mặt tiền ở các tuyến đường liên xã được thổi lên 350-500 triệu đồng, thậm chí 600 triệu đồng. Tại TP. Thủ Đức (TP. HCM) giá đất nền đều ở ngưỡng trên 200 triệu đồng/m2.

Nhiều nơi khác như Thanh Hóa, TP Biên Hòa, các huyện Nhơn Trạch và Long Thành của tỉnh Đồng Nai…cũng ghi nhận hiện tượng giá đất nền tăng rất nhanh trong thời gian ngắn.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, giá căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ, đất nền vẫn tăng so với thời điểm cuối năm 2021. Mức độ tăng giá các phân khúc BĐS tập trung trong cuối quý I, chậm dần và có dấu hiệu chững lại trong các tháng quý II...

Dự kiến thay đổi thời hạn sở hữu chung cư

Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, nguyên nhân tăng giá BĐS là do có sự chênh lệch về cung và cầu.

Cạnh đó, do ảnh hưởng của dịch bệnh, thời gian thực hiện dự án kéo dài, chi phí nguyên vật liệu đầu vào, lãi vay khi thực hiện dự án tăng lên; do dịch chuyển dòng vốn đầu tư từ các lĩnh vực khác dồn vào trú ẩn trong lĩnh vực BĐS.

Tuy nhiên, số liệu thống kê, báo cáo của các địa phương có thể còn chưa sát và thấp hơn so với giá giao dịch thực. Trong thực tế còn có hiện tượng "hai giá", kê khai thấp hơn giá giao dịch thực nhằm trốn thuế trong giao dịch kinh doanh BĐS.

Tại báo cáo, Bộ Xây dựng nêu nhiều kiến nghị, đề xuất quan trọng. Với nhóm giải pháp về hoàn thiện thể chế, Bộ Xây dựng kiến nghị khẩn trương nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến lĩnh vực BĐS đảm bảo đồng bộ, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện để thị trường BĐS phát triển ổn định, lành mạnh.

Theo đó, đề nghị trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi), Luật đấu thầu (sửa đổi)… để tạo khung pháp lý cho hoạt động kinh doanh BĐS, tăng cường hiệu quả quản lý thị trường.

Đáng chú ý, với Luật Nhà ở, Bộ Xây dựng đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định về sở hữu nhà và thời hạn sở hữu nhà ở chung cư; sửa đổi, bổ sung quy định về nhà ở xã hội về đối tượng, điều kiện và việc dành quỹ đất phát triển nhà ở xã hội; sửa đổi bổ sung quy định về quản lý sử dụng nhà ở và quản lý sử dụng nhà chung cư…

Ngoài ra, Bộ Xây dựng cũng đề nghị nghiên cứu, đề xuất các quy định về thuế đối với BĐS, hoạt động giao dịch, kinh doanh BĐS.

Công khai, minh bạch thông tin, danh mục, tiến độ các dự án phát triển hạ tầng, các dự án BĐS lớn và việc sáp nhập, thành lập, nâng cấp đô thị, đơn vị hành chính tại địa phương, ngăn chặn hiện tượng thông tin đồn thổi nhằm đẩy giá, trục lợi bất hợp pháp. Hoàn thiện và thực hiện công khai hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường BĐS.

Thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật trong hoạt động kinh doanh BĐS; xử lý các hành vi đưa thông tin không chính xác, gây nhiễu loạn, tác động tiêu cực đến hoạt động thị trường tài chính, tín dụng BĐS.

Bỏ giá rất cao rồi bỏ cọc, tạo mặt bằng giá ảo để thao túng thị trường

Theo tổng hợp báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường và của các địa phương, việc giao đất, cho thuê đất thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất đã hạn chế được tiêu cực, lợi dụng cơ chế chỉ định đối tượng được giao đất, thuê đất để mưu lợi cá nhân, làm thất thoát tiền sử dụng đất, tiền thuê đất...

Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích đã đạt được, hoạt động định giá, đấu giá quyền sử dụng đất thời gian qua cũng đã bộc lộ những hạn chế như việc tổ chức thực hiện của một số địa phương còn lúng túng, vai trò giám sát chưa nghiêm túc.

Các quy định của pháp luật về đấu giá chưa đồng bộ, chưa thống nhất, chưa đầy đủ; không có quy định dừng cuộc đấu giá khi có dấu hiệu bất thường; chưa có chế tài xử lý khoản tiền người trúng đấu giá đã nộp dở dang trong trường hợp phải hủy hợp đồng trúng đấu giá; thời gian từ khi trúng đấu giá đất đến khi hết hạn nộp tiền trúng đấu giá quá dài, 180 ngày.

Đáng chú ý, tại một số nơi còn có hiện tượng “cò đấu giá”, “quân xanh - quân đỏ”; đe dọa cá nhân, tổ chức tham gia đấu giá; thông đồng giữa tổ chức tư vấn định giá với người tham gia đấu giá để “dìm giá”; bỏ giá rất cao một số lô đất, rồi "bỏ cọc", tạo mặt bằng "giá ảo" để thao túng thị trường, tác động làm tăng giá BĐS, nhà ở, ảnh hưởng đến công tác bồi thường, thu hồi đất và thu hút đầu tư của địa phương.

Ngoài ra, có hiện tượng mua đi, bán lại nhiều lô đất trúng đấu giá làm ảnh hưởng đến mặt bằng giá và hoạt động của thị trường BĐS. Một số vụ việc cụ thể tại một số địa phương (như tỉnh Thái Bình năm 2020; huyện Đông Anh, Hà Nội năm 2021; tại Thủ Thiêm, TP.HCM năm 2021) đã gây tác động ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển ổn định, lành mạnh của thị trường.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm