Cục Thống kê TP.HCM vừa có báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội tháng 6 và sáu tháng đầu năm, trong đó có nêu các thống kê về ngành bất động sản (BĐS).
Cụ thể, từ đầu năm đến ngày 20-6, về đăng ký thành lập doanh nghiệp lĩnh vực kinh doanh BĐS có 1.453 doanh nghiệp với vốn đăng ký đạt 73.266 tỉ đồng, tăng 8,8%.
Tuy nhiên, theo Cục Thống kê TP.HCM, ngành dịch vụ BĐS lại là ngành duy nhất (trong tổng số chín ngành dịch vụ) giảm tăng trưởng. “Ngành dịch vụ giảm là hoạt động kinh doanh BĐS, giảm 5,82% so với cùng kỳ” - văn bản của Cục Thống kê TP.HCM nêu. Doanh thu hoạt động kinh doanh BĐS cũng giảm 7,3%.
Sau thời gian chống dịch, các mô hình kinh doanh trực tuyến, đặt hàng qua mạng, dịch vụ giao nhận, dịch vụ Internet, viễn thông phục hồi trở lại. Có 5/9 ngành dịch vụ có mức tăng trưởng trên 6% so với cùng kỳ. So với cùng kỳ, ngành vận tải, kho bãi tăng 7,51%; ngành thông tin truyền thông tăng 8,18%; ngành tài chính, ngân hàng tăng 9,91%; ngành hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ tăng 6,46%; ngành y tế tăng 6,85%.
Sáu tháng đầu năm, doanh thu hoạt động kinh doanh bất động sản giảm 7,3%. |
Có 3/9 ngành mức tăng trưởng dưới 6%, cụ thể bán buôn, bán lẻ tăng 3,1%; dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 2,08%; giáo dục và đào tạo tăng 4,99% so với cùng kỳ.
Về chỉ số giá tiêu dùng nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt, vật liệu xây dựng ghi nhận chỉ số giá tăng 0,92%, chủ yếu tập trung giá nhà ở thuê tăng 1,63%, vật liệu bảo dưỡng nhà tăng 0,13%, nước sinh hoạt tăng 0,23%.
Cũng theo Cục Thống kê TP.HCM, nhìn chung sau dịch COVID-19, tình hình đầu tư các dự án, công trình của khu vực doanh nghiệp có dấu hiệu khả quan, dù mức tăng còn khiêm tốn. Khu vực đầu tư vốn từ ngân sách gặp nhiều khó khăn do thủ tục hành chính, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng và việc giá cả vật liệu xây dựng tăng dẫn đến phải điều chỉnh dự toán thực hiện.
Thống kê cho thấy tính đến cuối tháng 5, toàn TP đã cấp 12.844 giấy phép xây dựng và sửa chữa lớn với diện tích sàn 2.467,8 ngàn m2, giảm 12,8% về giấy phép và giảm 7,2% về diện tích so với cùng kỳ.
Trong đó, cấp cho xây dựng mới 12.032 giấy phép với diện tích 2.374 ngàn m2 và 812 giấy phép sửa chữa lớn với diện tích 93,8 ngàn m2.
Cục Thống kê TP.HCM cho rằng để hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 thì trong những tháng còn lại cần tập trung giải quyết nhanh, hiệu quả nhiều nội dung.
Trong đó có việc tập trung xử lý các điểm nghẽn, nút thắt về đất đai; giải quyết các xung đột pháp lý về thủ tục giao đất, xác định đơn giá bồi thường, thủ tục thanh quyết toán xây dựng cơ bản để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.