Sốt xuất huyết tăng đột biến tại Hà Nội

(PLO)- Trong khi bệnh sốt xuất huyết trên cả nước giảm sâu cả về số ca mắc và tử vong thì tại Hà Nội, từ đầu năm đến nay số ca mắc tăng 5,3 lần.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 30-8, Bộ Y tế đã có văn bản đề nghị các tỉnh, thành trên cả nước quan tâm tới công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết (SXH).

Tính đến ngày 25-8, cả nước ghi nhận 66.386 ca SXH, trong đó 14 ca tử vong đều ở khu vực miền Nam, miền Trung và Tây Nguyên. Số liệu này là rất thấp so với cùng kỳ năm trước, giảm 61,5% ca mắc, giảm 79 ca tử vong.

Tuy nhiên, tình hình dịch SXH tại Hà Nội lại đáng lo ngại khi có tới 5.190 ca mắc (tăng đột biến 5,3 lần), góp phần vào mức tăng SXH toàn miền Bắc lên 125,2% so với cùng kỳ năm trước.

Cục Y tế dự phòng nhận định nguyên nhân gia tăng dịch SXH miền Bắc là diễn biến thời tiết nóng ẩm, nắng mưa đan xen, tạo điều kiện thuận lợi cho lăng quăng và muỗi truyền bệnh phát triển.

Bộ Y tế dự báo trong thời gian tới chuyển mùa mưa, số ca mắc tiếp tục có diễn biến phức tạp, các địa phương cần quyết liệt triển khai các biện pháp phòng chống dịch, đặc biệt là các hoạt động diệt muỗi, diệt lăng quăng, bọ gậy.

UBND các tỉnh, thành phố cần đảm bảo đủ thuốc, hóa chất, vật tư, thiết bị phòng, chống dịch bệnh. Ngành y tế hiện có đủ nguồn cung ứng dịch truyền Dextran - dung dịch được dùng trong điều trị sốc trên bệnh nhân SXH nặng.

Tỷ lệ tử vong do sốt xuất huyết tại Việt Nam trong 8 tháng đầu năm 2023 ở mức 0,02% - so với 0,03% cả giai đoạn 2016-2020, thấp hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực như Timor Leste tỷ lệ tử vong 1,2%; Indonesia 0,89%; Philippin 0,51%; Campuchia 0,2%; Lào 0,18%; Malaysia 0,06.

Tỉ lệ tử vong do sốt xuất huyết như vậy là nằm trong chỉ tiêu về giảm tử vong do Thủ tướng giao tại Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số giai đoạn 2016-2020 (≤0,09).

(Nguồn: Cục Y tế dự phòng)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm