Trách sao được với cuộc sống căng thẳng cay nghiệt hiện nay. Ngược xuôi tất bật kiếm hai bữa cơm chưa xong còn đâu hơi sức lo chuyện phòng bệnh. Cũng chính vì thế mà bệnh do stress tiếp tục chiếm kèo trên.
Đâu có khói gần đó có lửa
Tuy vậy cũng không mù mờ đến độ bệnh gần chết mà vẫn chưa biết! Theo thống kê của các hãng bảo hiểm y tế ở CHLB Đức, các triệu chứng dưới đây là dấu hiệu báo động cho người phải cắn răng làm bạn với stress, tính theo mức độ thường gặp:
• Mệt mỏi thường xuyên (100%) nhất là vào buổi sáng sớm dù đã ngủ vùi nhiều giờ.
• Khó tập trung tư tưởng (75%) khi cần suy luận.
• Trầm uất (68%) dù không có lý do chính đáng hay thậm chí đang lúc thành đạt.
• Đau cơ (67%) mặc dầu không vận động thái quá.
• Viêm họng (66%) dài dài dù không có dấu hiệu bội nhiễm.
• Đau đầu (65%) với khuynh hướng huyết áp thấp và hạ canxi trong máu.
• Mất ngủ (61%) dưới dạng ngủ dễ nhưng chỉ được ít giờ rồi thức trắng qua đêm.
• Sốt nhẹ dai dẳng (58%) hay cảm giác ớn lạnh không rõ nguyên nhân dù đã được tầm soát bệnh bội nhiễm.
• Viêm hạch (54%) không rõ lý do, chủ yếu là hạch dưới hàm, mặc dầu không có nguồn bội nhiễm trong vùng tai mũi họng.
• Đau khớp (51%) dưới dạng nay khớp này mai khớp khác dù không tìm ra bệnh phong thấp.
• Ho (47%) dai dẳng tuy đã thử đủ loại thuốc ho.
• Đãng trí (43%) nhất là hay quên chuyện mới xảy ra.
• Lo sợ (31%) vô cớ đi kèm với ác mộng.
• Liệt dương (21%) với suy giảm ham muốn (libido) đột phát trong khi bề ngoài vẫn còn phong độ.
• Giảm thị lực (18%) với khuynh hướng tăng áp lực nội nhãn gây chóng mặt.
Đọc xong bản phong thần nêu trên thì hiểu ngay công việc của thầy thuốc không dễ chút nào vì bệnh nhân có thể gõ cửa do bất kỳ nguyên nhân nào trong cả chục triệu chứng vừa kể. Đã vậy dấu hiệu nào cũng có trong nhiều bệnh mới ác!
Stress được đánh giá là đã bước qua ngưỡng cửa bệnh lý khi bệnh nhân mệt mỏi liên tục hay từng cơn với cường độ tăng dần đến độ nạn nhân có cảm giác rũ liệt.
Chuyện gì cũng có tiêu chuẩn
Tuy vậy, không có nghĩa là thầy thuốc phải lần mò trong bóng tối để rồi bói ra ma nào đó trật lất. Theo định nghĩa của y sĩ đoàn các nước phương Tây, stress được đánh giá là đã bước qua ngưỡng cửa bệnh lý khi hội đủ một hoặc hai tiêu chí cơ bản dưới đây:
• Bệnh nhân mệt mỏi liên tục hay từng cơn với cường độ tăng dần đến độ nạn nhân có cảm giác rũ liệt. Tình trạng này phải kéo dài tối thiểu sáu tháng, chưa từng xuất hiện trước đó và khiến nạn nhân suy giảm không dưới 50% hiệu năng lao động.
• Thầy thuốc không tìm ra nguyên nhân thực thể hay rối loạn tâm thần nào khác đi kèm.
Có hai hoặc sáu trong tám chỉ tiêu phụ như sau:
• Sốt nhẹ, không cao hơn 38 độ rưỡi nhưng thường xảy ra dù không có nguyên nhân bội nhiễm.
• Đau họng, khan tiếng thường xuyên.
• Nổi hạch nhưng không đau ở nách hay dưới hàm.
• Mỏi cơ tứ chi đến độ rũ liệt tay chân.
• Hết pin rất sớm trong ngày dù chỉ làm công việc nhẹ.
• Nhức đầu bất chợt không rõ nguyên nhân.
• Sợ tiếng động, ánh sáng, mùi hôi... một cách thái quá, hoặc thay đổi cá tính dưới dạng trầm uất hay ngược lại, dễ gây hấn.
• Mất ngủ hay vẫn ngủ được nhưng không có cảm giác hài lòng sau giấc ngủ.
Cháy nhẹ dễ chữa hơn cháy... sạch!
Biết là không dễ phòng bệnh, thôi thì chỉ còn cách chữa bệnh khi đừng quá trễ. Độc giả nếu thấy mình đã thừa điều kiện để tham gia chương trình “đồng hành cùng stress” nên liệu tìm đến thầy thuốc cho sớm.
Để chẩn đoán bệnh do stress tuy không dễ dàng như cào thẻ lãnh quà siêu thị nhưng cũng không nhiêu khê đến độ phải trông cậy vào may rủi. Việc định bệnh hoàn toàn khả thi nếu thầy thuốc trong lúc khám bệnh đừng vì quá lo chuyện khác mà quên vai trò không thể chối cãi của stress trong cuộc sống hiện nay, nhất là khi chính thầy cũng không xì-trết!