Với thành tích vô địch trong giải bóng đá AFF Suzuki Cup vừa qua, hình ảnh đội tuyển Việt Nam cũng như HLV Park Hang-seo xuất hiện tràn ngập trên mạng xã hội cũng như trên nhiều biển quảng cáo. Chuyện sử dụng những bức ảnh đó để quảng cáo nhãn hàng của mình sao cho đúng luật thì không phải công ty nào cũng biết.
Một ví dụ điển hình là vừa qua ở Hà Nội xảy ra một trường hợp một số công ty đã sử dụng bức ảnh HLV Park Hang-seo do một phóng viên chụp trong trận đấu giữa tuyển Việt Nam và Bahrain tại Asiad để làm một biển quảng cáo lớn (có gắn logo và slogan của công ty) và được treo trên các tuyến phố ngoài đường khi chưa được sự cho phép từ tác giả. Ngay sau đó, giám đốc của một công ty quảng cáo đã phải tới gặp xin lỗi và thương lượng với phóng viên này.
Báo Pháp Luật TP.HCM xin được dẫn một số phân tích của các chuyên gia pháp lý về việc sử dụng hình ảnh trong trường hợp này.
Phải được ông Park đồng ý
ThS Nguyễn Phương Thảo, giảng viên môn Luật sở hữu trí tuệ, Trường ĐH Luật TP.HCM, cho biết: Việc sử dụng hình ảnh người nào thì phải được sự đồng ý của người đó vì cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình theo khoản 1 Điều 32 BLDS 2015. Ngoài ra, nếu sử dụng hình ảnh vì mục đích thương mại thì người sử dụng hình ảnh phải trả một khoản thù lao cho người có ảnh (ông Park). Như vậy, đối tượng nào sử dụng hình ảnh của HLV Park mà chưa được sự đồng ý của ông Park là sai luật.
Tác phẩm nhiếp ảnh là đối tượng được bảo hộ quyền tác giả theo quy định tại khoản 1 Điều 14 Văn bản hợp nhất (VBHN) số 19/VBHN-VPQH năm 2013 (VBHN Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 và Luật sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ năm 2009). Chủ thể nào sử dụng bức ảnh mà không được sự đồng ý của tác giả đều là hành vi xâm phạm quyền tác giả được quy định tại Điều 28 VBHN Luật Sở hữu trí tuệ.
“Để bảo vệ tác phẩm của mình, người bị xâm phạm có quyền yêu cầu các công ty quảng cáo không được tiếp tục sử dụng hình ảnh quảng cáo đó nữa, kèm theo đó là quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại bao gồm thiệt hại về vật chất và tinh thần. Trong trường hợp hai bên không thỏa thuận được mức bồi thường thì có thể khởi kiện ra tòa án, khi đó tòa sẽ xác định thiệt hại thực tế khi các bên chứng minh” - ThS Thảo cho biết thêm.
Hình ảnh ông Park được một đơn vị sử dụng có sự đồng ý của ông. Ảnh: HỮU ĐĂNG
Đơn vị sở hữu độc quyền là VFF
Luật sư Nguyễn Tri Đức, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho rằng việc tùy tiện khai thác, sử dụng các tác phẩm nhiếp ảnh cụ thể là việc sử dụng các hình ảnh đội tuyển VN và HLV Park với mục đích khai thác quảng cáo, thương mại mà không xin phép là hành vi xâm phạm quyền tác giả.
“Qua sự việc này, tôi thiết nghĩ việc VFF (Liên đoàn Bóng đá Việt Nam) cần ra thông báo là đơn vị duy nhất sở hữu tên gọi, thương hiệu và các quyền khai thác thương mại liên quan đến các đội tuyển quốc gia Việt Nam, bao gồm U-23 Việt Nam là phù hợp theo quy định tại Điều 53 của Luật Thể dục thể thao (quyền sở hữu đối với giải thể thao thành tích cao và giải thể thao chuyên nghiệp). Tuy nhiên, việc khai thác thương mại về hình ảnh cá nhân của mỗi tuyển thủ phải đảm bảo quyền nhân thân về hình ảnh của các cầu thủ” - luật sư Đức nói.
Đăng ký quyền tác giả không phải là thủ tục bắt buộc
Theo luật sư Đàm Bảo Hoàng, Đoàn Luật sư TP.HCM thì tác phẩm báo chí là… bao gồm tin, bài được thể hiện bằng chữ viết, âm thanh hoặc hình ảnh (theo khoản 7 Điều 3 Luật Báo chí 2016).
Cạnh đó, Điều 14 VBHN Luật Sở hữu trí tuệ năm 2013 (VBHN Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 và Luật sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ năm 2009) cũng quy định Nhà nước bảo hộ quyền tác giả là tác phẩm báo chí, tác phẩm nhiếp ảnh.
Hơn nữa, căn cứ vào khoản 2 Điều 49 VBHN Luật Sở hữu trí tuệ, việc nộp đơn đăng ký để được công nhận quyền tác giả không phải là thủ tục bắt buộc.
Như vậy, các hình ảnh của phóng viên chụp khi tác nghiệp đều là các đối tượng được bảo hộ bởi Luật Sở hữu trí tuệ.
Chế tài cho vi phạm quyền cá nhân đối với hình ảnh Nếu sử dụng hình ảnh một người mà không xin phép người đó thì người vi phạm có thể bị xử phạt từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng kèm với biện pháp khắc phục hậu quả là buộc tháo gỡ, tháo dỡ hoặc xóa quảng cáo (điểm b khoản 3 và khoản 7 Điều 51 Nghị định 158/2013 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo). Chế tài cho vi phạm quyền tác giả Những tổ chức, cá nhân xâm phạm quyền tác giả thì buộc phải chấm dứt hành vi xâm phạm và bị áp dụng hình thức xử phạt như cảnh cáo, phạt tiền. Ngoài ra, việc xử phạt các hành vi vi phạm quyền tác giả đã được quy định chi tiết tại Nghị định 131/2013 và Nghị định 28/2017 sửa đổi, bổ sung Nghị định 131/2013 (quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan). Theo đó, tùy loại hành vi và mức độ ảnh hưởng mà mức phạt tiền cụ thể quy định khác nhau có thể từ 2 triệu đồng đến 35 triệu đồng. |