Sử dụng sừng tê giác như tự gặm móng tay, nhai tóc mình

GS Hùng cho biết Sừng tê giác do chất keratin (chất sừng) tạo ra, tương tự như thành phần cấu tạo của móng tay, sợi tóc con người và cũng như sừng trâu, sừng bò. Hơn thế nữa, hầu hết cả sản phẩm được cho là sừng tê giác đang có mặt trên thị trường đều là hàng giả được làm từ sừng trâu, sừng bò. Các chuyên gia y học hàng đầu thế giới, qua quá trình nghiên cứu của mình đều kết luận, sừng tê giác không có tác dụng điều trị ung thư. 

Đại sứ thiện chí Chiến dịch “Chấm dứt sử dụng sừng tê giác”Nhạc sĩ Dương Thụ, diễn viên Hồng Ánh chia sẻ tại bàn tròn thảo luận.  

Chủ tịch Hội Đông y Trung Quốc cũng thông tin y học cổ truyền Trung Hoa gần 2 ngàn năm không ghi nhận sừng tê giác điều trị ung thư. Giá trị của sừng tê giác được tạo nên bởi những lời đồn thổi, niềm tin mù quáng của người sử dụng. Người sử dụng chi tiền mua sừng tê giác chữa ung thư sẽ không chữa được bệnh mà còn tiền mất tật mang.

Ban tổ chức chiến dịch “Chấm dứt sử dụng sừng tê” gồm Trung tâm Change, Tổ chức WildAid (Cứu trợ hoang dã) và Quỹ Hoang dã Châu Phi cho biết, nạn săn bắn giết tê giác lấy sừng diễn ra ngày càng nhiều và đáng báo động. Năm 2007, mới chỉ có 13 con tê giác bị giết hại thì chỉ riêng trong năm 2013, số tê giác bị giết lấy sừng đã lên tới 1.004 con.

Không còn người mua sừng, không còn kẻ giết tê giác 

Tính đến tháng 8-2014, đã có ít nhất 668 tê giác bị giết hại, trung bình mỗi ngày có 3 con tê giác bị giết. Dự báo năm 2014 số lượng cá thể tê giác bị giết hại sẽ cao hơn cả năm 2013. Với đà này thì chỉ trong vòng 6 năm tới khoảng 29.000 con tê giác còn sót lại trên Trái Đất sẽ không còn con nào, loài này sẽ tuyệt chủng.

“Việt Nam và Trung Quốc là 2 thị trường tiêu thụ sừng tê giác lớn nhất thế giới. Đáng buồn là việc săn bắn tê giác bất hợp pháp tại Nam Phi (nơi xảy ra nạn săn bắt lậu lấy sừng tê giác hoành hành nhất) đã có sự nhúng tay của phần lớn các băng nhóm tội phạm Việt Nam. Với khẩu hiệu “Không có người mua, không còn kẻ giết, ban tổ chức chiến dịch “Chấm dứt sử dụng sừng tê” đã và đang tăng cường hợp tác với các đơn vị truyền thông, các phóng viên báo đài để tuyên truyền kêu gọi cộng đồng thay đổi niềm tin và hành vi để bảo vệ loài tê giác”, Đại diện Trung tâm Change cho hay.

Là Đại sứ thiện chí của chiến dịch này, ca sĩ Thanh Bùi chia sẻ: “Tôi đã có cơ hội sang Nam Phi, nhìn ngắm và chạm tay vào những con tê giác to lớn và đáng yêu. Điều đó thật thú vị và hạnh phúc. Nhưng tôi thật sự sốc khi số lượng loài vật này bị giết hại đang gia tăng, họ bất chấp pháp luật để kiếm món lợi. Thật buồn khi cơ quan chức năng Nam Phi cho tôi biết, trong 101 người bị bắt vì săn bắn tê giác năm 2014 có tới 77 người Việt Nam. Một ký sừng tê giác có giá đắt hơn vàng với mức 65.000 USD, thật ngu ngốc cho ai bỏ tiền ra mua vì nó chẳng đem lại tác dụng gì và chỉ phá hoại thiên nhiên”.  

Theo diễn viên điện ảnh Hồng Ánh, vì có giá rất cao nên chiến dịch chấm dứt mua bán, sử dụng sừng tê giác cần truyền thông mạnh vào đối tượng người giàu. Phải tác động đến nhận thức, thay đổi suy nghĩ, hành vi của những đối tượng này thì sẽ không còn người mua, kẻ bán động vật có nguy cơ tuyệt chủng nữa.

Nhà báo Đặng Công Phiên, Báo Sài Gòn Giải Phóng cho BTC Chiến dịch “Chấm dứt sử dụng sừng tê giác” cần phát động một giải báo chí viết về vấn đề tuyên truyền bảo vệ tê giác, khuyến khích phóng viên thực hiện những bài điều tra chống lại việc mua bán, sử dụng sừng tê giác trái phép.

Đại diện một số cơ quan báo chí cho biết cam kết hỗ trợ tuyền thông chiến dịch này để đưa thông điệp thiết thực đến với mọi đối tượng bạn đọc. Có ý kiến cho rằng cần phát động một giải báo chí viết về vấn đề tuyên truyền bảo vệ tê giác, khuyến khích phóng viên thực hiện những bài điều tra chống lại việc mua bán, sử dụng sừng tê giác trái phép. Đồng thời, Chính phủ cần có chế tài xử phạt nặng đối với hành vi mua bán lẫn tiêu thụ trái phép sừng tê giác.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới