Sử dụng thuốc giảm đau, hạ sốt không đúng cách sẽ gây ngộ độc

Cách đây ít ngày, tôi có đọc một bài báo giật tít thật kêu trên một trang báo giáo dục là "Lạm dụng thuốc kháng sinh: hậu quả khó lường".

Bài báo cho thấy tác giả viết bài này quá thiếu kiến thức đến nỗi nhầm lẫn giữa thuốc kháng sinh và thuốc giảm đau hạ sốt thông thường. Tít bài báo thì đề cập về thuốc kháng sinh nhưng trong toàn bài lại chỉ nhắc đến thuốc Paracetamol, Panadol, Efferalgan (là những loại thuốc giảm đau, hạ sốt thông thường)

Một bài báo thường sẽ cho mọi người có cảm giác tin tưởng đó là kiến thức đúng đắn và họ sẽ làm theo. Tuy nhiên bài báo viết về một lĩnh vực chuyên môn có liên quan đến sức khỏe như thế lại có sự nhầm lẫn hết sức ngô nghê như vậy thì rất nguy hiểm.

Thực tế, với nền y tế hiện nay, tại những nơi xa xôi, hẻo lánh như vùng Đồng Tháp Mười hoặc Mù Căng Chải, các bác sĩ sẽ khuyên mọi gia đình (nhất là những gia đình có con nhỏ) nên trữ sẵn một vài vỉ thuốc giảm đau hạ sốt như thế này trong tủ thuốc gia đình. Do trẻ con dễ bị sốt và khi sốt cao dễ co giật, nếu ở những nơi giao thông hiểm trở phải chờ ghe xuồng hoặc xe cộ giữa đêm không có thì có một liều thuốc giảm sốt trong nhà để tự uống hoặc nhét hậu môn cho con trẻ sẽ là một cứu cánh rất tốt để có thêm thời gian chuyển đi bệnh viện.

Lời khuyên đúng đắn cho trường hợp tự sử dụng các loại thuốc giảm đau, hạ sốt là bạn phải tuyệt đối tuân thủ liều lượng, khoảng cách giữa các liều và xử trí tiếp theo sau khi uống thuốc giảm đau ở nhà. Đó là phải nhanh chóng đến cơ sở y tế gần nhất khi có điều kiện để họ xác định nguyên nhân bệnh và điều trị chính xác, tránh trường hợp quá trễ đáng tiếc xảy ra.

Liều lượng paracetamol được khuyến cáo ở đây là 10mg-20mg/kg/lần uống và khoảng cách giữa hai lần uống từ 4-6 giờ. Không dùng quá liều và giữ người bệnh ở nhà quá lâu. Nếu tình trạng vẫn còn sốt cao sau khi dùng thuốc, biện pháp tiếp theo là chườm mát cho bệnh nhân, không nên nóng ruột lặp lại thuốc dễ gây ngộ độc. (Liều độc của paracetamol là 10g hoặc 150mg/kg ở trẻ em và 14g ở người lớn, một liều khá cao).

Ở liều cho người lớn 4g/ ngày nếu sử dụng lâu dài có thể gây ngộ độc cho GAN không phải là nguyên nhân gây chính gây suy THẬN như bài báo mô tả, vì paracetamol chuyển hóa chủ yếu ở gan và thải trừ qua thận, tuy nhiên ở các bệnh nhân đã suy thận trước đó thì phải thận trọng theo lời khuyên bác sĩ.

Phàm một việc gì liên quan đến sức khỏe con người chúng ta nên cân nhắc thận trọng trong cái cách phổ biến kiến thức, nếu không với trình độ dân trí ở nông thôn hiện nay việc đọc một bài báo lộn tùng phèo như vậy sẽ dễ làm cho người dân hiểu lầm, làm mất đi mặt tích cực trong việc tuyên truyền sơ cứu tại nhà cho trẻ ở vùng sâu như đã đề cập ở trên.

Sẽ thật tốt nếu có những bài báo đúng nghĩa, những tờ báo tích cực tuyên truyền, cảnh báo về tình trạng lạm dụng thuốc kháng sinh cho người dân được hiểu, mong lắm thay!

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới