Vấn đề này có khả năng ảnh hưởng đến các giá trị nền tảng của liên minh đồng thời làm suy giảm đồng thuận trong cải cách khu vực đồng Euro và xóa nợ cho Hy Lạp.
Thách thức EU
Hình ảnh những đứa trẻ chết đuối, những đoàn người di cư bị lùa ra khỏi xe lửa hay bị cảnh sát đánh đập, cùng các hàng rào dây thép gai xẻ ngang dọc châu Âu đang biến khủng hoảng người nhập cư thành một cuộc khủng hoảng tinh thần đối với khu vực đồng Euro. Trong cuộc khủng hoảng này, nguyên tắc đồng thuận đang đứng trước những thử thách lớn lao.
Cuộc khủng hoảng mới nhất này đang thử thách các giá trị đã gắn kết nên châu Âu. Nó đã khiến các thành viên EU hành động trái ngược nhau và châm ngòi cho chủ nghĩa dân túy và làn sóng chống đạo Hồi. Trong khi đó, khối EU lại tỏ ra bất lực, mất đoàn kết và vô cảm.
Hình ảnh em bé Syria bị chết đuối đã gây rúng động châu Âu về vấn đề người nhập cư.
Tuy vậy, các bất đồng lộn xộn thường đến trước khi EU tìm được tiếng nói đồng thuận để giải quyết vấn đề. Có thể chính sách mới sẽ xoay chuyển theo hướng giải quyết các tình cảnh khốn khổ của dân tị nạn, cũng như giải tỏa nỗi sợ hãi tan rã khu vực biên giới mở Schengen.
Tuần trước, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã tìm cách thuyết phục các đồng minh chia sẻ gánh nặng người tị nạn do chiến tranh tại Syria, Iraq, Afghanistan, Lybia và các nơi khác: “Thế giới đang dõi theo chúng ta. Nếu châu Âu thất bại trong vấn đề người tị nạn, mối liên kết chặt chẽ giữa EU với vấn đề nhân quyền phổ quát sẽ bị mất đi, và đây sẽ không còn là châu Âu mà chúng ta từng mơ ước.”
Những nỗ lực sốt sắng của bà Merkel trong vai trò lãnh đạo lại tương phản với sự thận trọng từng có lúc giải quyết vấn đề khủng hoảng đồng Euro, và chỉ nhận được sự ủng hộ dè dặt từ các đồng minh thân cận. Điển hình là Pháp, nơi mà phong trào chống người nhập cư diễn ra mạnh mẽ. Trong khi đó, các nước như Hungary và Anh đã ngay lập tức từ chối đề nghị của bà.
Nhiều chính khách phương Tây muốn lấy lòng cử tri cũng lựa chọn việc ngăn chặn làn sóng nhập cư hơn là chào đón hàng trăm ngàn người nước ngoài khốn khổ, đặc biệt là những người theo đạo Hồi.
Chia rẽ Đông-Tây
Lần đầu tiên kể từ khi mười nước Trung Âu quyết định gia nhập EU, một cuộc khủng hoảng đã mở rộng sự chia rẽ Đông – Tây, với hầu hết các thành viên mới từ chối chấp nhận hạn ngạch cho người nhập cư, thậm chí một số nước còn lấy lí do tôn giáo.
Điều này đã khiến Thủ tướng Áo Werner Faymann cảnh báo, nếu các nước phía Đông không chịu chia sẻ gánh nặng này, EU sẽ phải cân nhắc mức hỗ trợ tài chính sắp tới cho sự phát triển của các nước này.
Các nước Trung Âu như Hungary, Cộng hòa Czech và Slovakia cũng từng là cửa ngõ của những người tị nạn sang Tây Âu vào những năm 1956 và 1968, nay lại kịch liệt phản đối yêu cầu tái phân bố dân tị nạn.
Người dân Anh biểu tình trước tình trạng người nhập cư trái phép đổ vào từ châu Âu.
Thủ tướng Hungary Viktor Orban quan ngại những người nhập cư này sẽ đe dọa “gốc gác Thiên chúa giáo” của châu Âu, còn Slovakia và Cộng hòa Czech cho biết họ sẽ chỉ nhận một số nhỏ người tị nạn theo đạo Thiên chúa.
Ông Orban cũng chỉ trích bà Merkel đang làm trầm trọng thêm vấn đề này khi thông báo Đức sẵn sàng nhận một số lượng lớn người Syria, khiến cho càng nhiều người tị nạn mạo hiểm đến châu Âu. Và chính quyền Hungary rất lo lắng về vấn đề này.
Antonio Vitorino, chủ tịch Viện Jacques Delors cho biết: “Kể từ khi nổ ra cuộc khủng hoảng đồng Euro, châu Âu đã đem đến vấn đề về đạo đức nhiều hơn là đưa ra được giải pháp. Khủng hoảng người nhập cư đã càng khiến châu Âu mất đi vai trò hình mẫu về hội nhập.” Vị cựu Ủy viên Công lý châu Âu này đã góp phần xây dựng các qui định về người tị nạn.
Giờ đây khi bộ luật này đang bị lung lay trong giải quyết dòng người tị nạn khổng lồ của năm nay, ông lo ngại hình ảnh châu Âu như một vùng đất của giá trị con người và tôn trọng các cam kết quốc tế đang gặp nhiều nguy cơ.
Tại nhiều nơi như Đông Nam Á và Mỹ Latin từng dùng khối EU làm khuôn mẫu trong hợp tác khu vực giờ cũng nổi lên ý kiến cho rằng châu Âu không thể tự giải quyết nổi vấn đề của chính nó.
Ông Vitorino cho biết Hiệp định Dublin mà ông đã thảo ra, qui định đất nước đầu tiên một người nhập cư đến phải nhận trách nhiệm ổn định cho người này, đã quá bất công với các nước ở rìa châu Âu trong khi lại không nhận được nhiều hỗ trợ tài chính hay vật chất.
“Thực tế cho thấy hệ thống này đã không hoạt động hiệu quả, cho nên giờ mọi thứ đã nằm ngoài tầm kiểm soát.”
Châu Âu cần một chính sách tị nạn chung có khả năng phân loại người nhập cư, gửi trả lại những người không nằm trong phân nhóm dân tị nạn và tái phân bố những người tị nạn tùy theo khả năng của từng quốc gia thành viên.