Thôn Vũ Dương, xã Bồng Lai (nơi được cho là có nhiều người giả sư nhất cả nước hiện nay) là làng thuần nông, nhưng hầu hết người dân nơi đây ít người chịu chỉ làm nông nghiệp. Họ rất năng động và tham gia buôn bán nhiều mặt hàng. Chục năm trở lại đây, Vũ Dương mới thực sự thay đổi. Sự thay đổi ấy bắt nguồn từ việc hành nghề giả sư. Một số người dân cho hay, lịch sử "nghề" này do một số phụ nữ lấy chồng ở miền Nam truyền cho.
Ban đầu, chỉ có một vài người dám học nghề nhưng đều vấp phải sự phản đối kịch liệt của những người trong làng. Không bao lâu sau, thấy sự thay đổi từng ngày của những người giả sư, bà con dần dần đi theo.
Sư giả trên đường hành nghề. Ảnh: CAND
Cà kê ở một quán nước ven đường làng Vũ Dương, một chủ quán cho biết "sáng đến họ đi làm đông như đi hội ấy". Vì ở cạnh đường nên chị biết hết lịch "làm ăn" của các "sư". Sáng, cứ khoảng 6h họ bắt đầu lên đường, chập tối lại về.
Những nhà "sư" ở Vũ Dương vào "nghề" rất chuyên nghiệp. Họ tự làm cho mình thẻ giả đeo trước ngực ghi Giáo hội phật giáo Việt Nam. Họ giả là người nhà chùa, bán hương với giá cao, xin tiền ủng hộ xây dựng chùa để lừa đảo. Họ cũng "học thêm" ít kiến thức về Phật pháp hoặc bói toán. Hàng ngày, họ đi khắp các miền quê để bán nhang. Chiêu bài của các "sư" này là vận động các nhà hảo tâm mua hương giúp nhà chùa.
Hiện ở Làng Vũ Dương có một đội quân xe ôm chuyên đi phục vụ các "sư" giả. Sáng họ đến nhà đón, đường đi nước bước do thân chủ quyết định, chiều đưa về. Các bác tài này cứ nhìn đồng hồ đếm km rồi tính tiền. Chẳng biết các "sư" kiếm tiền ra sao, chứ mỗi ngày một xe ôm cũng bỏ túi chừng 200.000 đồng.
Chỉ sau thời gian ngắn "đi sư", nhiều "sư" đã kiếm được rất nhiều tiền. Từ những người ăn đói, mặc rét quanh năm, giờ có nhà cao cửa rộng, tiền tiêu rủng rỉnh. Từ đó, nhiều thanh niên khác thích ăn chơi lêu lổng cũng vào cuộc nhiệt tình. Các "đệ tử" đi sau đều được các đàn anh hướng dẫn. Chẳng mấy chốc cái nghề đi sư trở thành phương kế thoát nghèo của nhiều gia đình. Theo ước tính của người dân lúc cao điểm, làng Vũ Dương có trên trăm người "đi sư".
Ông Nguyễn Quang Cát, người trông coi đình làng và chùa Vũ Dương mỗi khi nhắc đến chuyện người làng mình hành nghề sư giả ông không giấu nổi cảm giác hổ thẹn. Ông thở dài nói: "Chỉ vì tiền mà người ta chả còn coi luân thường đạo lý ra cái gì. Dù biết đó là "nghề" có thể hái ra tiền, nhưng những gia đình có đạo đức không ai người ta chấp nhận làm việc đó".
Làng Vũ Dương được cho là nơi có nhiều sư giả nhất tỉnh Bắc Ninh. Ảnh: CAND
Ban đầu ở làng Vũ Dương số người dám hành nghề này rất ít nên hầu như họ phải đi ra khỏi địa bàn của làng, của xã mới dám khoác áo nâu sòng. Nhưng sau đó khi "phong trào" ngày càng nở rộ, những sư giả ấy nghiễm nhiên mặc sẵn quần áo từ ở nhà rồi thuê xe ôm chở đi nơi khác "kiếm ăn".
Ở Vũ Dương giờ những ngôi nhà cao tầng mọc lên san sát. Nhiều người dân nơi đây cho biết, phần lớn những chủ nhân của những ngôi nhà đẹp, lộng lẫy đó là nhờ "đi sư". Anh Cường, ở xóm Chùa vốn là nông dân thuần chất, bố mẹ bỏ nhau phải đi chăn trâu, chăn bò kiếm miếng cơm, manh áo. Ấy vậy mà, giờ đây người dân lại gọi anh là Cường "triệu phú". Từ ngày lấy vợ, cuộc sống quá nghèo, con cái lại đông, Cường lăn lộn cả ngày chẳng kiếm được đủ ba bữa cơm. Sau 6 năm hành nghề "đi sư", Cường mua được đất, xây nhà cao tầng, sắm tiện ghi sinh hoạt đắt tiền.
"Gieo gió ắt sẽ gặp bão", luật nhân quả này có lẽ được một số sư giả đang phải ngồi bóc lịch trong trại giam có hộ khẩu thường trú tại thôn Vũ Dương thấm thía hơn ai hết. Thực tế đã có vài người vướng phải vòng lao lý. Các sư giả này nhiều khi không chỉ đi bán hương xin tiền từ thiện của thiên hạ mà còn kiêm luôn vai trò của thầy xem tướng. Gặp gia chủ nào "yếu bóng vía", các sư giả cũng phán rằng nhà anh, chị bị động, cần phải cúng bái. Ai nhẹ dạ cả tin thì nghe và nhờ luôn vị "sư" kia cũng lễ. Công việc trơn tru, cứ xong một lần cúng các "sư" cũng kiếm được vài triệu đồng. Ngựa quen đường cũ, đến đâu các "sư" cũng diễn lại bài này và không ít "sư" đã bị người dân vạch mặt.
Gần đây, 2 "sư" giả là Phan Thanh Chương và Nguyễn Thị Hường ở làng Vũ Dương đã bị bà con ở chợ Ninh Hiệp (Hà Nội) bắt và giao cho chính quyền. Rất may cho 2 "vị tăng ni" này là được hưởng án treo về tội lừa đảo.
Suốt hành trình "tay gậy, tay bị" đi "xin đểu" thiên hạ, các "sư" làng Vũ Dương cũng gặp không ít chuyện "cười ra nước mắt". Không phải đến đâu họ cũng có thể dễ dàng lừa bịp được người khác. Bà con làng Vũ Dương vẫn kể câu chuyện về bà Hương, dùng chiêu "mượn danh cửa Phật" đến một làng ở Thái Bình "khất thực". Khi dân làng phát hiện bà Hương là "sư" giả, họ đã cởi hết quần áo, cắt tóc rồi ném xuống ao cho chừa thói đi lừa gạt người khác. Những tưởng sau bài học nhớ đời đó, bà ta bỏ "nghề". Nào ngờ "ngựa quen đường cũ", về làng bà Hương mạnh mồm tuyên bố "không có tóc thành sư dễ hơn".
Ông Nguyễn Đức Phả, Chủ tịch UBND xã Bồng Lai: Hầu hết những người giả sư đều không dám hoạt động ở các địa bàn gần như xã và huyện vì họ sợ bị lộ. Chúng tôi cũng từng cử công an xã ra đón đầu nhiều ngả đường, song những người này họ hoạt động rất tinh vi. Họ hầu hết vẫn mặc quần áo bình thường, chỉ đến khi ra xa khỏi địa bàn mới khoác áo nâu sòng. Nhưng nếu họ có mặc quần áo nhà sư ngay trong địa bàn xã, chúng tôi cũng không có cơ sở pháp lý gì để bắt họ nếu họ chưa có được bằng chứng rõ ràng. Công an xã cũng đã kết hợp với Công an huyện để tìm cách hạn chế hiện tượng này nhưng rất khó. Sư thầy Thích Thanh Liên, Thường trực tỉnh hội Phật giáo Tỉnh Bắc Ninh: Hiện nay tình trạng giả sư xuất hiện rất nhiều, ra đường là thấy sư giả, dường như đã thành trào lưu. Họ lợi dụng đức tín của Phật và lòng tin của xã hội để tự "hóa phép" thành nhà sư đi khất thực, làm ăn trục lợi cho bản thân mình. |
(Theo Công an Nhân dân)