Đó là thông tin được GS-TS Phạm Hồng Tung, chủ biên chương trình môn Lịch sử mới cho biết ngày 14-3. Theo GS Tung, trong Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, Chương trình môn lịch sử là một trong số những chương trình môn có nhiều thay đổi. Trong đó việc đưa sự kiện Gạc Ma vào chương trình giảng dạy được xem như một điểm nhấn.
GS-TS Phạm Hồng Tung, chủ biên chương trình môn Lịch sử mới. Ảnh: HÀ PHƯỢNG
GS Tung cho rằng cũng như các sự kiện lịch sử khác, sự kiện Gạc Ma sau một thời gian mới nghiên cứu thấu đáo cộng thêm việc cân nhắc cách thức đưa các sự kiện lịch sử vào chương trình giáo dục làm sao để kiến thức vừa hợp lý, vừa đảm bảo mục đích giáo dục đối với thế hệ trẻ. Đến nay, hội đồng chủ biên môn lịch sử đã chính thức quyết định đưa sự kiện trận chiến Gạc Ma 1988 và toàn bộ các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc vào chương trình môn lịch sử mới theo các nguyên tắc: khoa học, nhân văn, tiến bộ.
“Theo dự kiến hiện tại, chúng tôi sẽ được đưa sự kiện Gạc Ma vào 3 chỗ của chương trình lịch sử phổ thông mới. Thứ nhất là hợp phần lịch sử của môn lịch sử và địa lý cấp THCS. Học phần này sẽ giúp các em tìm hiểu thông sử Việt Nam, khu vực Đông Nam Á”.
Thứ hai, bậc THCS có một chủ đề tích hợp, dự kiến đặt tên là Biển đảo Việt Nam, có các nội dung là địa lý tự nhiên, kinh tế biển, tài nguyên biển, lịch sử chủ quyền biển đảo của Việt Nam, bao gồm lịch sử quá trình khẳng định và thực thi chủ quyền của Việt Nam trên biển Đông, trong đó có sự kiện Gạc Ma 1988 và nói đến tình hình hiện nay.
Điều này để nói lên việc chúng ta khẳng định Trường Sa, Hoàng Sa là của Việt Nam với những bằng chứng lịch sử và pháp lý quốc tế thật sự thuyết phục, chẳng hạn như quyết nghị của Hội nghị hòa bình San Francisco.
Ở phần thứ ba, Gạc Ma dự kiến được dạy trong cấp THPT với hai chủ đề là lịch sử các cuộc chiến tranh giải phóng bảo vệ Tổ quốc và chủ đề biển đảo Việt Nam.
“Ở cấp học này, học sinh sẽ tìm hiểu về sự kiện Gạc Ma 1988 trong cái nhìn xuyên suốt của truyền thống đấu tranh anh dũng của dân tộc để giữ từng tấc đất của Tổ quốc, rút ra bài học xuyên suốt lịch sử” - GS Tung phân tích.