XÔNG VÀO BỆNH VIỆN TRUY SÁT ĐỐI THỦ

Sự manh động quá quắt!

Liệu các bệnh nhân có thể yên tâm chữa trị khi xung quanh là những tiếng la hét, quát tháo man rợ của hơn chục người cầm trong tay đủ loại hung khí? Các bác sĩ, y tá có còn đủ tâm trí, sự tỉnh táo để điều trị, phục vụ người bệnh khi phải canh cánh nỗi lo có thể bị chém, giết bất cứ lúc nào và phải chạy tán loạn ẩn nấp?… Những câu hỏi này không thể không đặt ra trong vụ “vây bệnh viện đòi xử đối thủ” vào đêm 22-9 tại BV Nhân dân Gia Định (TP.HCM).

Dẫu xuất phát từ nguyên do gì thì cái chết của người đàn ông 53 tuổi (quận Bình Thạnh) cũng là rất đáng tiếc. Đặc biệt, với gia đình nạn nhân thì càng là một mất mát lớn, không gì bù đắp được. Họ có quyền giận dữ, căm phẫn những kẻ vì một mâu thuẫn nhỏ mà lại dàn trận hỗn chiến với mã tấu, roi điện… và rồi sau đó tước đi mạng sống của người khác. Như tất cả những ai có hoàn cảnh tương tự, họ được quyền yêu cầu các cơ quan tố tụng xử lý công minh, kịp thời các hành vi phạm tội và không được để lọt tội phạm. Trường hợp các cơ quan không làm được như thế thì họ có quyền khiếu nại, tố cáo... Nhưng với hành vi tổ chức truy lùng, tự xử nghi can, từ đó gây mất an ninh, trật tự cho một nơi luôn cần sự yên tĩnh, tập trung, gây mất an toàn và cản trở quyền hành nghề cho đội ngũ có thiên chức cứu người thì có nghĩa là họ đã vi phạm pháp luật. Về “tội trạng” cụ thể thì tất nhiên phải chờ công an, VKS, tòa án quyết định nhưng trước mắt có thể thấy nhóm người manh động đã có hành vi gây rối trật tự công cộng, đe dọa giết người.

Từ vụ BV Nhân dân Gia Định và một số vụ đại náo bệnh viện xảy ra gần đây, dường như lối hành xử bất chấp pháp luật, thể hiện tính man rợ, hung hãn “rừng rú” đang có chiều hướng gia tăng? Trong một số trường hợp cụ thể, người ta có quyền nghi ngờ về tính nghiêm minh, tính hiệu quả của công cụ luật pháp, vô hình trung tạo đất cho những kẻ hung tợn sử dụng bạo lực để giành phần thắng? Nỗ lực tự bảo vệ ắt phải có, song mọi người hoàn toàn có quyền đòi hỏi được luôn luôn sống trong một môi trường mà mọi công dân ai cũng có quyền và phải được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm…

Có nhiều việc phải làm để không còn phải thấy, nghe nói về những chuyện không hay tương tự, trong đó phương án ngăn chặn, chống gây rối, xử lý nhanh các nhóm manh động của cơ quan công an các địa phương là điều cần suy tính. Nhưng bao trùm lên tất cả vẫn là việc thực hiện các biện pháp chế tài phải chặt chẽ, thể hiện được sự nghiêm minh, nghiêm túc để sức mạnh trấn áp của công lực có thể khiến những kẻ manh động, rắp tâm vi phạm pháp luật phải chùn tay.

THU TÂM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm