Sự mỉa mai của đạo đức!

Kể cả cánh nhà báo, vốn theo dõi sát sao vụ việc ngay từ đầu, vốn đã dự cảm được khả năng giảm án của các bị cáo qua những diễn biến của giai đoạn xét xử phúc thẩm, cũng không khỏi ngỡ ngàng.

Còn nhớ, trước khi Công an TP.HCM tập kích Tân Hoàng Phát tối 6-12-2008, các cơ quan chức năng đã nhận được nhiều đơn thư tố cáo hành vi khống chế, bóc lột nhân viên tàn bạo của vợ chồng Phan Cao Trí - Phan Thị Yến. Nhiều tiếp viên chịu không nổi đã phải nhảy lầu bỏ trốn, bị chấn thương…

Sau khi công an vào cuộc, dư luận sục sôi phẫn nộ vì tố cáo của các tiếp viên cho thấy Tân Hoàng Phát là một “địa ngục massage”: Lúc xin vào làm, các tiếp viên phải ký hợp đồng do vợ chồng Trí - Yến soạn sẵn và ký nợ hàng chục triệu đồng tiền quần áo, mỹ phẩm, chỗ ở... Hằng tháng, các tiếp viên chỉ được trả lương 500.000 đồng, tiền “boa” thì bị vợ chồng Trí - Yến giữ để đến cuối tháng trừ tiền cơm, mỹ phẩm...

Mỗi ngày các tiếp viên đi làm 17 giờ mới được về chỗ ở dưới sự kiểm soát chặt chẽ của hơn 20 bảo vệ. Mọi sinh hoạt của họ đều khép kín, tắm giặt tập thể, hằng đêm mỗi phòng mấy chục cô trải chiếu nằm chen nhau dưới nền nhà. Tất cả đồ dùng sinh hoạt đều phải mua ngay tại cơ sở của Tân Hoàng Phát với giá cắt cổ. Ai muốn xin nghỉ về nhà phải ký nợ 15 triệu đồng, xin nghỉ phép phải có nhân viên khác viết đơn bảo lãnh, ký nợ 50 triệu đồng. Ai vi phạm bị nhốt ở bãi xe, có ý bỏ trốn thì bị phạt làm vệ sinh, nhốt trong chuồng chó. Trí còn đánh những cô vi phạm, dùng súng dọa bắn, các quản lý, bảo vệ cũng tham gia đánh tiếp viên…

Đầu năm nay, việc TAND TP.HCM tuyên phạt Trí và đồng phạm các mức án nghiêm khắc (từ hai năm tù đến 12 năm tù) về các tội cưỡng đoạt tài sản, bắt giữ người trái pháp luật đã được dư luận rất đồng tình. Vậy mà qua giai đoạn xét xử phúc thẩm, mọi chuyện đã diễn tiến khác hẳn. Cái chiều hướng làm giảm nhẹ tội trạng của các bị cáo ngày càng lồ lộ, từ việc một số tiếp viên đột ngột nói tốt cho vợ chồng ông chủ đến kiểu thẩm vấn “gỡ tội”, vặn vẹo VKS như luật sư bào chữa…

Trong cái chiều hướng đầy thuận lợi ấy, như một sự mỉa mai của đạo đức, bị cáo Trí được dịp cao giọng trước tòa về “cái tâm”, về “nỗi oan sai của người làm kinh doanh”. Nào là quản lý tốt nhân viên, ngăn chặn tốt tệ nạn, nào là chăm lo sức khỏe, tinh thần cho nhân viên như tổ chức đi tham quan nghỉ mát, tổ chức sinh nhật, tặng nhà, tặng vàng, tặng tiền…

Không biết những tiếp viên từng phải nhảy lầu bỏ trốn, bị chấn thương cột sống có nghe được những lời này mà cảm kích “sự tử tế” của ông chủ hay không. Hay lại ngập tràn uất ức như cô NTKX, một tiếp viên có mặt tại phiên phúc thẩm: “Tôi cũng bị đánh đập, bị giam giữ, phải nộp tiền thế thân khi muốn nghỉ phép, may nhờ công an giải thoát, giờ nói tôi không phải nạn nhân là sao? Tòa lại xử giảm án cho họ thật là quá bất công!”.

TRẦM NGUYÊN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm