Ngày 16-11, tại phiên toàn thể Diễn đàn Mekong Connect 2023, các đại biểu thảo luận về “Cơ chế đặc thù phát triển TP.HCM tác động thế nào đến tăng cường liên kết cho doanh nghiệp (DN) TP.HCM và đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) trong chuỗi cung ứng hàng hóa dịch vụ”.
Liên kết giữa nhà sản xuất TP.HCM và các tỉnh vùng ĐBSCL còn rời rạc
Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm (LTTP) TP.HCM, cho biết hiện nay tất cả nguyên liệu đầu vào của ngành LTTP chế biến là của các tỉnh ĐBSCL.
Hiện nay liên kết giữa nhà sản xuất TP.HCM và các tỉnh vùng ĐBSCL còn rời rạc, vùng nguyên liệu hiện nay lệ thuộc tư thương nhiều….tạo ra điểm yếu xảy ra câu chuyện được mùa mất giá.
Đối với ngành LTTP, để phục vụ sản xuất kinh doanh nội địa và xuất khẩu hệ thống kho lạnh rất cần thiết. Tuy nhiên, muốn xây dựng kho lạnh phải có đầu tư tài chính, thu hồi vốn chậm, chưa kể hiện nay tại TP.HCM đất đai hạn hẹp, chi phí cao.
Nếu một số đơn vị tiêu biểu của ngành LTTP cần đầu tư kho lạnh, di chuyển về các vùng phù hợp với điều kiện nguyên liệu sản xuất thì DN không được hưởng chính sách ưu đãi của TP.HCM.
“Do đó, chúng tôi đề nghị, hiện nay Hội đồng tư vấn Nghị quyết 98 của TP.HCM có nên chăng xây dựng chương riêng... Như vậy chính sách mới đi vào thực tế và sẽ giải quyết nhiều vấn đề và cần phải làm ngay" - bà Chi nhấn mạnh.
Đồng thời, để giải quyết bài toán được mùa mất giá, bà Chi kiến nghị Bộ NN&PTNT có bộ dữ liệu dùng chung để DN biết mùa nào thức nấy, bao nhiêu rau, cá, gạo...Chúng ta dứt khoát làm và giai đoạn này phải làm.
Trong khi đó, ông Phạm Thái Bình, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung An, cho biết ĐBSCL có ba vựa nông sản hàng hóa lớn là lúa gạo, rau củ quả trái cây, thủy sản. Tiềm năng rất lớn nhưng nhiều năm nay đang bị phát triển chậm, điều này đồng nghĩa Việt Nam đang lãng phí tài nguyên.
“Để liên kết sản xuất và liên kết vùng thúc đẩy phát triển các hàng hóa nông sản ĐBSCL với TP.HCM và cả nước cần cơ chế chính sách phát triển nông nghiệp cho ĐBSCL. Đặc biệt là để phát triển bền vững rất quan trọng cần thiết trong thời gian tới”-ông Bình nhấn mạnh.
TP.HCM, các tỉnh lắng nghe đóng góp để đẩy mạnh liên kết vùng
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho biết, trong phiên toàn thể, hội nghị sẽ đúc kết lại đóng góp ý kiến, thảo luận từ các chuyên gia, nhà làm chính sách, cộng đồng DN…
Qua đây, lãnh đạo các Bộ ngành trung ương, thành phố và các tỉnh ĐBSCL lắng nghe, tiếp thu về các giải pháp phát huy cơ chế chính sách nói chung, cơ chế đặc thù của thành phố nói riêng. Từ đó đẩy mạnh liên kết vùng, thúc đẩy kinh tế xanh, tăng cường liên kết chuỗi cung ứng hàng hóa và dịch vụ, xây dựng quy hoạch tích hợp…
“Hy vọng Diễn đàn tiếp tục là cầu nối, là kênh tiếp xúc giữa chính quyền các tỉnh, thành phố; giữa DN và chính quyền; giữa các chuyên gia khoa học và chính quyền… với mong muốn chung là thúc đẩy liên kết, phát huy thế mạnh của từng địa phương, cùng hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, phát triển kinh tế xanh và bền vững” - ông Hoan nói.
Theo ông Hoan, năm 2023 những xu hướng mới đã hình thành và phát triển nhanh chóng, trong đó tăng trưởng xanh, phát triển bền vững là yêu cầu tất yếu, không thể đảo ngược. Tình hình mới đặt ra nhu cầu tự lực, tự cường, chống chịu của từng quốc gia. Nhu cầu này đòi hỏi các vùng, các địa phương trong cả nước phải liên kết chặt chẽ với nhau để phát huy sức mạnh tổng thể.
Do đó, năm 2023 TP.HCM cùng 38 tỉnh, thành trên cả nước đã tổng kết, ký thỏa thuận và xây dựng kế hoạch triển khai chương trình hợp tác phát triển kinh tế xã hội giai đoạn đến năm 2025.
“Hôm nay thành phố cùng 13 tỉnh, thành ĐBSCL tiếp tục đối thoại về kết nối chuỗi cung ứng hướng tới nền kinh tế xanh và bền vững. Qua đó, cho thấy thành phố xác định mối tương quan liên kết vùng chặt chẽ giữa TP.HCM và các tỉnh, thành trong nhiệm vụ phát triển kinh tế hướng đến nền kinh tế xanh và bền vững” - Phó chủ tịch Hoan nhấn mạnh.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan chúc mừng TP.HCM được Quốc hội trao cho cơ chế đặc thù, đó là vận hội mới của TP.HCM. Theo ông Hoan, sự phát triển của TP.HCM sẽ tạo hiệu ứng lan tỏa ra cả vùng, thậm chí lan tỏa cả phía Bắc. Đó là kỳ vọng của Trung ương, của Quốc hội khi ban hành cơ chế đặc thù cho TP.HCM.
“Tôi nghĩ đây là cơ hội 13 tỉnh, thành ĐBSCL đón vận hội của TP.HCM như vận hội của mình vì không gian kinh tế không có ranh giới hành chánh. Câu chuyện liên kết vùng nếu không định hình xu thế và mô hình liên kết rốt cuộc vẫn là mạng lưới hạ tầng. Quan trọng nhất là liên kết không gian kinh tế"-ông Hoan nói.