Đám đông chen lấn, áp sát các ca sĩ, diễn viên nổi tiếng để được nhìn mặt, chụp ảnh họ. Đám đông đủ thành phần, già trẻ lớn bé chen lấn, tìm cách tiếp cận các nghệ sĩ. Họ cười cợt, la ó, trầm trồ, khen chê các nghệ sĩ... náo nhiệt cả một khu phố, bảo vệ dân phố yêu cầu giữ trật tự cho đám tang, có người còn hét lên: “Tôi đến xem diễn viên, ca sĩ chứ không xem đám ma. Đám ma có gì mà xem!”.
Chợt nhớ lại 20 năm trước, đám tang của diễn viên Lê Công Tuấn Anh (LCTA) được tổ chức tại chùa Xá Lợi. Anh là diễn viên rất nổi tiếng nhưng sống giản dị, hòa đồng với mọi người, được đồng nghiệp và người hâm mộ rất yêu quý. Trước cái chết của LCTA, rất nhiều người thương tiếc anh, hết lớp này đến lớp khác vây kín cả khu vực chùa Xá Lợi - nơi quàn xác anh trong trật tự. Cái chết đột ngột của LCTA cùng mối tình nhiều trắc trở với người mẫu MA đã ngốn rất nhiều giấy mực của báo chí. Báo phát hành không đủ bán, những người bán báo phải phôtô các bài viết về anh để bán cho người hâm mộ đang bao quanh khu chùa Xá Lợi. Trong đám tang cũng có rất đông nghệ sĩ nổi tiếng, bạn bè, đồng nghiệp của LCTA trong ban tổ chức lễ tang vì anh không có gia đình, họ thay nhau ngồi canh quan tài anh. Những người hâm mộ đứng chật kín ngoài cổng chùa thương tiếc LCTA và chỉ chiêm ngưỡng các thần tượng từ xa. Trong đêm cuối trước khi di quan, hàng ngàn người hâm mộ theo lời kêu gọi của ban tổ chức lễ tang đã xếp hai hàng dài lần lượt tiến vào trước linh cữu LCTA, mỗi người nhận một cây nhang đã đốt sẵn, vái mấy cái rồi lui ra nhường chỗ cho những người khác trong dòng người như bất tận. Đám đông ứng xử rất văn hóa ấy là ai? Hầu hết họ là những người lao động, buôn gánh bán bưng yêu mến chàng nghệ sĩ tài hoa bạc mệnh, lẫn những sinh viên, học sinh yêu mến chàng Quang “Đông Ki-sốt” - vai diễn để đời và “chết tên” của LCTA trong phimVị đắng tình yêu.
So sánh hình ảnh và tình cảnh hai đám tang của hai nghệ sĩ nổi tiếng cách nhau 20 năm, tôi giật mình về sự tha hóa trong văn hóa ứng xử của một bộ phận không nhỏ công chúng. Không chỉ là công chúng hâm mộ nghệ sĩ bị tha hóa, ứng xử thiếu văn hóa đến vô cảm như đã xảy ra tại đám tang nghệ sĩ Minh Thuận, mà cả một số đông lớp người trẻ hôm nay đang sống trong một thế giới phẳng bị tha hóa trong văn hóa ứng xử mà ta dễ bắt gặp mọi lúc, mọi nơi. Ở một thời mà khoa học công nghệ phát triển chóng mặt, quá nhiều phương tiện thông tin truyền thông ào ạt phát tán, nhiều người không theo kịp, đánh mất sự suy tưởng độc lập. Cũng do cái gốc văn hóa cạn cợt, họ bị cuốn theo những cơn bão truyền thông làm mất phương hướng, văn hóa ứng xử bị tha hóa! Nhưng truy nguyên và phân tích kỹ sẽ thấy thật ra chỉ một số ít ngườitự tha hóa, phần đông là bị tha hóa theo hiệu ứng đám đông. Người xưa có câu “gần mực thì đen, gần đèn thì sáng” thật chí lý.