Sự thật ‘hơi thở của quỷ’ xuất hiện tại Việt Nam

Theo các tài liệu, khi hít trúng hoặc uống phải độc chất từ cây này, nạn nhân sẽ nhanh chóng rơi vào trạng thái vô thức, bị thôi miên và làm theo sự sai khiến của người khác.

“Hơi thở của quỷ’’có mặt ở Việt Nam gần 10 năm

Ở Việt Nam, rất nhiều vụ án nạn nhân bị thôi miên đến vô thức đã tự lấy tiền vàng, tháo nhẫn, dây chuyền… “tình nguyện” đưa cho người lạ đã được liên hệ với với scopolamine. Những nạn nhân này hầu hết khi tỉnh lại đều không nhớ gì nhiều và chỉ mang máng nhớ rằng không hiểu sao lúc đó họ rơi vào trạng thái trống rỗng, làm theo chỉ dẫn của người đối diện một cách vô điều kiện.

Theo người dân ở Đà Lạt, "hơi thở của quỷ" đã được du nhập đến Đà Lạt chừng 10 năm nay. Hình minh họa. 

Tại Việt Nam, loại cây có hoa rất giống với cây hơi thở của quỷ mọc khá phổ biến tại xứ lạnh như Đà Lạt và Sa Pa. Tại những nơi này, chúng được người dân gọi bằng một số tên như hoa loa kèn hay hoa kèn của thiên thần (một vài người còn nhầm lẫn với hoa chân bê).

Về màu sắc, hoa của loại cây giống với cây hơi thở của quỷ mọc tại Đà Lạt và Sa Pa có màu từ trắng tinh đến vàng nhạt, vàng rực rỡ, trắng phớt cam và vàng xen lẫn hồng đỏ. Đặc biệt, hoa mọc chúi xuống đất rất giống với cây scopolamine.

Ông Nguyễn Văn Út, một nhà vườn tại phường 9 (Đà Lạt), cho biết loại hoa loa kèn này xuất hiện ở Đà Lạt khoảng gần 10 năm trở lại đây. “Ban đầu chúng tôi không biết nó là hoa gì, thấy hình dáng hoa giống hoa loa kèn thì cứ gọi nó là hoa loa kèn Đà Lạt. Cũng không rõ ai là người đầu tiên đã mang loại hoa này về Đà Lạt, chỉ biết rằng nó rất dễ trồng, ngắt cành cắm xuống đất cũng sống mà hạt rơi đâu cũng mọc cây được hết”, ông Út cho hay.

Loài hoa giống 'hơi thở của quỷ' ở Việt Nam có nhiều màu: trắng, vàng, cam, đỏ hồng. Hình minh họa.

Theo ông Út, loại cây này mọc rất nhiều ở Đà Lạt, từ các con phố chính đến vỉa hè, sườn đồi, ven rẫy. “Mới đầu thấy hoa đẹp, vô hại nên cứ để đó ngắm chơi. Cách nay hai hay ba năm mấy đứa cháu ở thành phố đọc báo mới biết đây là cây có độc, thôi miên gì gì lúc đó mới để ý. Nói vậy chứ hoa nó tự mọc quanh nhà, bọn con nít thi thoảng ngắt chơi đồ hàng, mấy con dê cũng ăn, lâu lâu gà cũng mổ hoa ăn, thấy không có sao nên cứ để đó”, ông Út kể.

Còn trong sách "Cây cỏ Việt Nam", tác giả Phạm Hoàng Hộ (quyển 2, xuất bản năm 2003) có phần ghi chép về loài cây hoa loa kèn ở Đà Lạt. Sách ghi: Cây hoa loa kèn Đà Lạt là có tên khoa học là Brugmansia suaveolens có đặc điểm là: Cây tiểu mộc, chiều cao phát triển tối đa từ 4-5m; Lá có phiến dạng như lá cây thuốc lá, to, dài 15 - 20cm, đáy bất xứng, đầu nhọn; cuống dài 2 - 3cm; Hoa thòng, to, dài đến 30cm; đài là ống suông có 5 răng, có lông; Vành hình kèn; nhụy đực gắn trên ống vành và có bao phấn dính nhau; Quả không gai; Hột dẹp, to 1cm. Loài cây hoa này có nguồn gốc từ Trung Mỹ.

Nghiên cứu ban đầu cho thấy, lá của cây có chứa nhiều alcaloid, in vitro, chống siêu khuẩn measles.

Gặp nạn vì lỡ ăn, ngửi “hơi thở của quỷ”

Gần đây nhất, vào năm 2013, một số người tại chùa Kỳ Quang (Đức Trọng, Lâm Đồng) vì thấy… hoa đẹp nên một người có hái khoảng hai chục bông loa kèn nói trên nhúng ăn thử trong bữa lẩu chay tại chùa.

Theo những người có mặt tại bữa ăn kể lại, do thấy hoa lại nên chỉ có một số người dám ăn thử. Khi mới nhúng lẩu ăn, những người ăn hoa nói rằng hoa có vị rất ngon, ngọt và giòn.

 Chỉ vì tò mò, một số người "thử ăn", "thử ngửi" loài hoa này đã rơi vào tình trạng nguy hiểm tới tính mạng. Hình minh họa.

Tuy nhiên, chỉ 15 phút sau, tất cả năm người tham gia ăn thử loài hoa này đều có triệu chứng giống nhau (có người nhẹ, người nặng do số lượng hoa ăn vào) như không kiểm soát được hành vi, la hét, nói năng lảm nhảm, khó tiểu, nhịp tim nhanh... Sau khi được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện đa khoa tỉnh Lầm Đồng, bác sĩ cho biết những người này đã bị trúng một loại độc dược có khả năng gây ảo giác.

Trước đó, vào  năm 2011,  bệnh viện đa khoa tỉnh Lâm Đồng cũng tiếp nhận một  bệnh nhân trong tình trạng mê sảng, xuất hiện ảo giác mạnh, không kiểm soát được hành vi. Sau khi được cấp cứu, người này cho biết do thấy hoa loa kèn mọc trong rẫy đẹp nên đã… ngửi thử xem có mùi thơm hay không.

Chiết xuất từ “hơi thở của quỷ” đã được biết đến từ lâu

Theo nhiều tài liệu, chiết xuất scopolamine từ cây borrachero đã được một số cá nhân, tổ chức sử dụng trong nghiên cứu, phục vụ khoa học từ những năm 1880.

Cụ thể, năm 1880, scopolamine đã được phát hiện bởi nhà khoa học người Đức Albert Ladenburg. Với thuộc tính dễ tan trong nước, khó bị phát hiện, bọn tội phạm đã sử dụng scopolamine để pha vào nước uống, trộn với đồ ăn để ‘đầu độc’ đối tượng.

 Trên thế giới, chiết xuất từ hạt 'hơi thở của quỷ' đã được biết đến và sử dụng từ những năm 1880. Hình minh họa.

Khi chất độc này đi vào cơ thể, chúng sẽ nhanh chóng đưa nạn nhân vào tình trạng vô thức. Nạn nhân sẽ nghe, làm theo theo lời người đối diện một cách vô điều kiện. Đáng sợ hơn, phụ nữ khi rơi vào tình trạng vô thức khi nhiễm độc dược này nếu bị cưỡng hiếp tập thể họ cũng không hề hay biết. Tất cả nạn nhân của scopolamine sau khi tỉnh dậy đều không thể nhớ được bất cứ chuyện gì trong khoảng thời gian mình bị trúng độc.

Tuy nhiên, trong y học, scopolamine cũng đã giúp nhiều phụ nữ vượt qua cơn đau giằng xé khi sinh đẻ. Những ca đỡ đẻ năm 1960, nhiều nơi bác sĩ đã sử dụng chất này để giúp sản phụ đỡ đau đớn hơn mà vượt cạn một cách dễ dàng. Nhưng từ năm 1970, chất này không được phép sử dụng vì nó được cho là gây mất trí nhớ cho bà mẹ và tăng nguy cơ mắc bệnh trầm cảm cho các em bé.

Bên cạnh đó, trong thời kỳ Chiến tranh lạnh, nhiều tài liệu đã nhắc đến việc Cơ quan tình báo Trung ương Mĩ (CIA) từng sử dụng scopolamine trong quá trình thẩm vấn tù nhân, khai thác những thông tin tối mật mà tù nhân không bao giờ muốn tiết lộ.

 

Chưa chắc hoa loa kèn ở Đà Lạt và ‘hơi thở của quỷ’ là một!

Theo nhiều tài liệu thì tên Borrachero không phải là tên khoa học chính thức của loài cây này mà chỉ là tên gọi địa phương tại Colombia.

Hiện giờ ở Đà Lạt có 3 - 4 giống cây loa kèn hình dáng như “hơi thở của quỷ”, tuy nhiên chúng khác nhau về màu hoa.



Ở Đà Lạt, loại loa kèn cho hoa màu vàng và cam đã bị chặt bỏ do có một số vụ ngộ độc liên quan đến hoa có hai màu này. Hình minh họa. 

Giống lâu đời nhất có hoa màu trắng ngà, người dân và chính quyền vẫn phát triển trồng làm cảnh, hầu như không nguy hiểm. Giống có hoa màu cam, vàng vừa du nhập  mấy năm gần đây thì đã xuất hiện  một số trường hợp đã bị ngộ độc khi người ta thử ăn nó.

Qua nghiên cứu nhiều tài liệu, tôi không khẳng định được rằng cây borrachero là loài loa kèn đang trồng tại Đà Lạt. Tuy vậy, cây borrachero và các loài loa kèn ở Đà Lạt có quan hệ gần gũi, cùng trong một họ là họ Cà (Solanaceae).

Người dân Đà Lạt cũng đã từng biết mức độ nguy hiểm của cây loa kèn (loại cho hoa màu cam, vàng), nên hiện giờ họ không phát triển trồng loại loa kèn có màu đó nữa. Nhiều gia đình do nhận thức được mức độ nguy hiểm của hoa nên đã chặt bỏ.

 

ThS Lương Văn Dũng

Phó Trưởng khoa Sinh học, Trường Đại học Đà Lạt

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới