“Bản chất câu chuyện là ông Anh tự ý làm đường trên mương thoát nước chung nên huyện, xã phải yêu cầu dừng thi công”. Tại buổi họp báo tổ chức sáng 12-7, Chánh Văn phòng UBND huyện Củ Chi Nguyễn Văn Út lý giải về thông tin ông Bùi Hoàng Anh tố cáo bỏ 200 triệu đồng làm đường nhựa cho dân nhưng bị chính quyền gây khó dễ, đánh đập.
Huyện Củ Chi trưng bằng chứng
Ông Út cho biết qua xác minh, phần đất ông Hoàng Anh làm đường thuộc một phần đường hiện hữu và một phần thửa đất số 23, 20 thuộc ấp 6, xã Tân Thạnh Đông. Riêng phần đặt 45 cống thoát nước thuộc mương thoát nước nằm trong thửa đất số 2, tờ bản đồ số 8. Đây là phần đất nằm trong nông trường cao su của Công ty TNHH MTV Bò Sữa TP.HCM.
Trong biên bản làm việc với UBND xã Tân Thạnh Đông vào ngày 21-5, ông Hoàng Anh thừa nhận “có người thuê thi công san lấp, đặt cống” và xác nhận mình không phải là chủ đầu tư. Sau đó, ngày 28-5, xã đã mời sáu hộ dân là chủ các khu đất có liên quan đến con đường này đến xác minh. Tất cả sáu hộ đều cho biết không tham gia san lấp mương thoát nước và làm đường tại địa điểm trên.
“Đoạn đường ông Anh làm chỉ phục vụ cho nhu cầu lưu thông của một hộ dân, còn lại là nhà bỏ hoang, nhà có mặt tiền đường khác hoặc các thửa đất trống” - huyện Củ Chi thông tin và cho hay Công ty Bò Sữa TP cũng đang yêu cầu xã hỗ trợ trả lại hiện trạng cho toàn khu vực.
Ngày 2-7, làm việc với xã, ông Hoàng Anh thừa nhận việc đặt cống, san lấp mở rộng đường không có giấy phép và đồng ý khắc phục hậu quả, trả lại hiện trạng ban đầu. Thế nhưng đến nay ông Anh không thực hiện. “Thông tin ông Hoàng Anh tự bỏ 200 triệu đồng ra làm đường dân sinh giúp bà con là không đúng sự thật” - UBND huyện Củ Chi khẳng định.
Có mặt tại cuộc họp, ông Nguyễn Công Duyên, Chủ tịch UBND xã Tân Thạnh Đông, cho hay vừa qua xã đã đề nghị công ty đo vẽ tới xác định hiện trạng vị trí của con đường do ông Hoàng Anh tự làm. “Theo bản vẽ hiện trạng vị trí, con đường có một phần nhỏ là đường đất hiện hữu, còn lại hoàn toàn nằm trên mương thoát nước của nông trường cao su” - ông Duyên phát biểu, đồng thời gửi đến từng cơ quan báo chí bản vẽ này.
Ông Duyên khẳng định về lý thì con đường vi phạm mương chung, về tình thì không phục vụ người già, trẻ em nào. Do đó, xã cương quyết xử lý theo đúng quy định để không gây tiền lệ về sau.
Trong căn nhà này không có người nào tên Vi và cũng không ai thân quen gì với ông Hoàng Anh tới mức ông Anh phải bỏ cả trăm triệu làm đường giúp. Ảnh: C.TÚ
Người làm từ thiện có nhiều mâu thuẫn
Trước buổi họp báo trên, PV Pháp Luật TP.HCMđã đi thực tế khu vực có con đường. Trưởng ấp 6 - ông Trương Văn Hùng và nguyên Trưởng ấp 6 - ông Nguyễn Văn Rết đều khẳng định phần lớn con đường ông Anh làm nằm đè lên mương thoát nước. Còn ông Dương Văn Mắn (dân địa phương) cho hay ông sống ở đây hơn 30 năm và “con đường đó đè lên mương thoát nước của nông trường cao su. Việc làm đường trên mương sẽ gây ngập nước vào mùa mưa này, bà con chắc chắn phản ứng dữ dội”.
Qua ghi nhận thực tế, PV nhận thấy đoạn đường ông Hoàng Anh thực hiện rộng khoảng 3,5 m, dài 50 m, liên quan đến bốn căn nhà. Trong đó một căn có mặt tiền là đường 130, một căn bỏ hoang, một căn có mặt tiền tỉnh lộ 15 (có cửa sau đi ra con đường này), một căn có trổ cửa ra đường đang làm. Còn lại là các thửa đất trống.
Nếu có nhà từ thiện thực sự muốn giúp đỡ làm đường cho dân, huyện rất sẵn sàng hỗ trợ về mặt chuyên môn và pháp lý. Ông NGUYỄN VĂN ÚT, |
Căn nhà trổ cửa ra đường từng được ông Anh cho rằng trong đó có người già, trẻ nhỏ và họ gặp khó khăn trong việc đi lại do đây là lối đi duy nhất. Chính vì thế ông Anh mới bỏ tiền làm đường. Theo tìm hiểu của PV, đây là khu đất của ông Phạm Hồng Điệp, trên đó có hai căn nhà, một căn quay ra mặt tiền tỉnh lộ 15 và một căn trổ cửa ra con đường đang làm. Giữa hai nhà có lối thông thương qua lại. Qua trao đổi, ông Điệp xác nhận ảnh của ông cụ tên Vi mà ông Hoàng Anh cung cấp là cha của ông. Tuy nhiên, cha ông không phải tên Vi và cũng “không thân quen gì với ông Hoàng Anh cả”. Theo xác nhận của Trưởng ấp Trương Văn Hùng, cha của ông Điệp không sống ở đây mà chỉ thỉnh thoảng vào thăm con cháu.
Trao đổi lại với ông Hoàng Anh về các thông tin không phù hợp với lời kể trước đó (nói là do thân với một cụ già tên Vi nên giúp làm đường), lúc này ông Anh giải thích cha của ông Điệp có hai tên (!?). Ông không quen biết ông cụ này mà chỉ tình cờ đi ngang, thấy ông trượt xe ngã nên tự nguyện cho vật tư giúp đỡ làm đường. Ông Anh cũng cho rằng không quan tâm pháp lý mà làm theo lộ giới do người dân hướng dẫn. “Nếu từ đầu có người ngăn cản thì tôi đã không làm để phải lãnh phiền phức như hiện nay” - ông Anh khẳng định.
Vậy tại sao ngay từ đầu xã Tân Thạnh Đông đã ngăn chặn, đình chỉ thi công nhưng ông vẫn làm tiếp? Ông Anh trả lời mình chỉ bỏ tiền, không trực tiếp làm đường nên không nắm được sự việc. Về lý do khai nhận làm thuê cho một số chủ đất, ông Anh giải thích do bị ép cung, đánh đập (!?) và tái khẳng định mình là người bỏ tiền làm từ thiện cũng như không tháo dỡ con đường.
Đáng chú ý, UBND xã cho hay biên bản làm việc với ông Anh được lập tại trụ sở UBND xã. Lúc đó chỉ có ông Anh và cán bộ địa chính xã nên hoàn toàn không thể có chuyện ép cung hay đánh đập ông Anh.
Tóm tắt sự việc - Ngày 28-4, UBND xã Tân Thạnh Đông phát hiện ông Bùi Hoàng Anh thi công san lấp, đặt cống không phép trên phần đất tại ấp 6 do Công ty TNHH MTV Bò Sữa TP quản lý nên đã lập biên bản đình chỉ thi công. - Ngày 4-5, ông Hoàng Anh tiếp tục thi công. Tổ công tác của xã lập biên bản lần hai và tạm giữ xe lu. - Ngày 2-7, ông Anh ký biên bản xác nhận làm sai quy định và sẽ khôi phục hiện trạng ban đầu nhưng đến nay không thực hiện. Vụ việc này từng được Pháp Luật TP.HCM phản ánh trong bài viết “Thực hư vụ “tự bỏ tiền làm đường, bị còng tay”” trên số báo ra ngày 7-7. |