Công an huyện Củ Chi, TP.HCM vừa báo cáo Thanh tra Bộ Công an về nội dung tố cáo của ông Bùi Hoàng Anh (39 tuổi, huyện Củ Chi; người đứng ra làm đường và bị xử phạt phải trả lại hiện trạng cũ) về việc cán bộ Công an xã Tân Thạnh Đông, huyện Củ Chi còng tay, giữ người trái pháp luật.
Bị còng do “người vi phạm manh động”
Theo báo cáo, Công an xã Tân Thạnh Đông có khống chế, còng tay ông Anh đưa về trụ sở công an xã và đã tạm giữ người này 24 tiếng để phục vụ công tác điều tra. “Do lúc đầu ông Anh manh động, có hành vi chống đối lực lượng thi hành công vụ, có ý định dùng xăng, quẹt gas để gây cháy nên Công an xã Tân Thạnh Đông khống chế, còng tay đưa ông Anh về trụ sở để làm việc. Khi về đến trụ sở công an xã và trong quá trình làm việc, Công an xã Tân Thạnh Đông không khống chế, còng tay ông Anh như nội dung đơn tố cáo” - báo cáo nêu.
Sau khi điều tra, Công an huyện Củ Chi kết luận hành vi của ông Anh không đủ yếu tố cấu thành tội chống người thi hành công vụ nên đã chuyển hồ sơ để công an xã xử phạt vi phạm hành chính về hành vi dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực để chống người thi hành công vụ với số tiền phạt 3,5 triệu đồng.
Theo UBND xã Tân Thạnh Đông, do ông Anh thi công con đường không xin phép, xâm phạm phần đất của doanh nghiệp nên xã đình chỉ thi công. Trong lúc tổ công tác của xã cho ô tô tải kéo xe lu về trụ sở xã, ông Anh chạy xe máy mang theo hai bình xăng vượt lên tạt xăng vào ô tô tải. Tuy nhiên, lực lượng chức năng kịp thời phát hiện, ngăn chặn. Khi ô tô tải rẽ vào trụ sở UBND xã, ông Anh cho xe đụng thẳng vào bánh trước của xe tải.
“Trước sự việc trên, công an xã buộc phải còng tay, khống chế ông Anh áp giải vào trụ sở công an xã và báo cơ quan CSĐT công an huyện cử cán bộ đến làm việc với ông Anh đến 19 giờ cùng ngày” - báo cáo của xã nêu. Trong khi đó, làm việc với Công an huyện Củ Chi, ông Anh cho rằng mang theo hai bình xăng là để đổ vào máy dầm trong công trình chứ không có ý định tạt xăng vào tổ công tác.
Đây là con đường “nổi tiếng” nhất xã Tân Thạnh Đông, huyện Củ Chi, TP.HCM. Ảnh: CTV
Xã: Con đường không phục vụ ai
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Công Duyên, Chủ tịch UBND xã Tân Thạnh Đông, cho hay: Tháng 1-2018, bà Trần Thị Kim Loan gửi đơn đến UBND xã xin làm đoạn đường dài 40 m, đặt 40 cống thoát nước để thuận tiện đi lại vào thửa đất số 23, tờ bản đồ số 8 với diện tích 327,9 m2 (khu đất này bà Loan đã bán - PV). Tuy nhiên, do phần đất xin làm đường liên quan đến mương thoát nước do Công ty TNHH MTV Bò Sữa TP.HCM quản lý nên xã không có thẩm quyền giải quyết.
Đến ngày 28-4-2018, xã phát hiện ông Anh thi công san lấp mương và đặt cống trên phần đất thuộc Công ty Bò Sữa. Việc thi công này không có giấy phép và không được các cơ quan có thẩm quyền chấp thuận nên xã lập biên bản vi phạm, đình chỉ thi công. Biên bản ghi rõ đề nghị chậm nhất ngày 3-5, ông Anh liên hệ UBND xã để được hướng dẫn giải quyết. Tuy nhiên, đến ngày 1-5, ông Anh lại tiếp tục thi công nên xã lập tiếp biên bản vi phạm và tạm giữ một chiếc xe lu trên công trường.
“Xã đã phát hiện, ngăn chặn ngay từ đầu nhưng ông Anh cố tình thi công. Công ty Bò Sữa cũng đã gửi đơn đề nghị UBND xã hỗ trợ trả lại hiện trạng mương thoát nước mà ông Anh đã lấp” - ông Duyên cho hay.
Được biết sau khi có ý kiến của ông Anh cho rằng việc mở con đường để thuận tiện cho người già và trẻ em đi lại, Thường trực Huyện ủy Củ Chi đã yêu cầu UBND xã xác minh. Ngày 4-7, xã Tân Thạnh Đông đã có báo cáo kết quả. Theo báo cáo này, phần làm đường có diện tích ngang 3,5 m, dài 45 m, đặt 45 cống đấu nối với đường giao thông hiện hữu. Từ đầu đường vi phạm tiếp giáp với đường 130, bên trái của phần đường vi phạm là đất của Công ty Bò Sữa TP.HCM; bên phải là nhà một hộ dân có mặt tiền hướng ra đường 130 và nhà một hộ khác có mặt tiền hướng ra tỉnh lộ 15, còn mặt sau giáp mương thoát nước của Công ty Bò Sữa TP.
UBND xã Tân Thạnh Đông cũng cho hay ngày 28-5, xã đã mời các hộ dân liên quan đến trao đổi nhưng những người này đều trình bày không tham gia san lấp mương thoát nước và làm đường tại địa điểm trên. “Con đường này không phục vụ nhu cầu đi lại của hai hộ dân trong khu vực và cũng không phục vụ cho người lớn tuổi, trẻ nhỏ. Việc làm con đường có yếu tố để phân lô, bán nền” - lãnh đạo UBND xã nhận định.
Theo Công an huyện Củ Chi, ông Anh khai khi thi công con đường trên không biết đất thuộc tài sản của Công ty TNHH MTV Bò Sữa TP.HCM. Trả lời báo Tiền Phong, ông Anh thừa nhận việc làm đường khi chưa xin phép là do chưa hiểu biết rõ quy định. Ông sẽ chấp hành yêu cầu của chính quyền địa phương là phá bỏ con đường nhựa để trả về hiện trạng ban đầu là con đường đất. Tuy nhiên, khi trao đổi với Pháp Luật TP.HCM chiều 6-7, ông Anh khẳng định sẽ không cày nát con đường nhựa, trả lại đường đất cũ vì “dân trong đó sẽ chửi và trái với đạo đức, lương tâm tôi”. Ông Anh cho hay không có lợi ích gì trong việc này, mà do thấy một người quen có nhà trong khu vực đó (tên là Vi, 50 tuổi) phải đi con đường trơn trượt, nguy hiểm nên ông hỗ trợ vật tư và cùng mọi người làm đường để dễ đi. Về pháp lý, ông Anh cho hay trong giấy đỏ của năm thửa đất liên quan thể hiện có con đường rộng 12 m và đây là con đường ra vào duy nhất của các hộ dân trong khu vực. “Nếu nói đó là đất của Công ty Bò Sữa thì các giấy đỏ này sai à?” - ông đặt vấn đề. Ông Anh cho hay sở dĩ ông phải ký tên đồng ý trả lại hiện trạng cũ là để lấy chiếc xe lu trả cho chủ xe. Trước ý kiến của ông Anh, ông Nguyễn Công Duyên, Chủ tịch UBND xã Tân Thạnh Đông, khẳng định không có người tên Vi nào sống ở đó cả. “Đoàn xác minh của xã và dân ấp 6 biết rất rõ những ai sống ở đó. Không có nhà nào buộc phải sử dụng con đường này cả. Nếu giấy tờ của các hộ dân thể hiện có con đường như ông Anh nói, vậy tại sao không ai khiếu nại?” - ông Duyên nói. Ông Duyên xác nhận trước đó có con đường đất nhỏ rộng khoảng 2 m, cạnh đó là con mương rộng 1,5 m. “Để tăng giá trị các khu đất, con đường mới mở này đã lấy luôn phần mương” - ông cho hay. |