Sửa BLTTDS: Đừng quên ‘thân phận nhân chứng’

Theo luật sư Hòa, BLTTDS hiện hành chưa quan tâm đến “thân phận nhân chứng”, cụ thể là chưa có quy định về quyền từ chối khai báo cùng quyền không khai báo của nhân chứng. Thực tế, bà đã gặp không ít trường hợp phải băn khoăn, chẳng hạn một người chị ra làm chứng trước tòa, bị người em dọa đánh nên phải làm đơn xin tòa cho thôi làm nhân chứng.

Cạnh đó, có nghịch lý là nhân chứng không ra tòa thì bị công an dẫn giải. Trong khi đó, đương sự không ra tòa thì chiếu theo luật, tòa chỉ đình chỉ giải quyết (nếu người vắng là nguyên đơn) hoặc xử vắng mặt (nếu người vắng là bị đơn) nếu hai lần triệu tập hợp lệ mà họ không có mặt.

TS Tobias Oelsner (Thẩm phán Tòa khu vực TP Berlin, Liên bang Đức) cho biết luật nước ông cũng có quy định về quyền từ chối khai báo của nhân chứng bởi tôn trọng các mối quan hệ đặc biệt cần sự bảo vệ đặc biệt như mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình, giữa luật sư với khách hàng... Tất nhiên việc từ chối khai báo của họ sẽ gây khó khăn cho việc xét xử nhưng đôi khi cũng phải chấp nhận. Pháp luật của Đức cũng sử dụng việc lấy lời khai nhân chứng thông qua video kết nối Internet một cách hiệu quả, nhất là các vụ án liên quan đến vấn đề gia đình...

Theo Phó Chánh án TAND Tối cao Tống Anh Hào, khoản 3 Điều 72 dự thảo BLTTDS (sửa đổi) có quy định người làm chứng “được từ chối khai báo nếu lời khai của mình liên quan đến bí mật nhà nước, bí mật nghề nghiệp, bí mật kinh doanh, bí mật đời tư, bí mật gia đình hoặc việc khai báo đó có ảnh hưởng xấu, bất lợi cho đương sự là người có quan hệ thân thích với mình”. Theo ông Hào, quy định như vậy đã đầy đủ, xác đáng hay chưa... vẫn cần thêm nhiều ý kiến đóng góp.

HOÀNG YẾN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm