Trong giai đoạn xét xử thì xét hỏi tại phiên tòa là quan trọng nhất vì thông qua đó để kiểm tra các chứng cứ một cách công khai.
Trước đây, việc xét hỏi chủ yếu do chủ tọa phiên tòa thực hiện, còn kiểm sát viên (KSV), luật sư nếu có hỏi cũng chỉ có tính chất bổ sung. Nay dự án BLTTHS (sửa đổi) quy định KSV là người hỏi trước, sau đó đến người bào chữa (luật sư), còn HĐXX chỉ hỏi bổ sung những vấn đề chưa rõ.
Tuy nhiên, nói đây là bước đột phá thì chưa hẳn như vậy! Vấn đề không phải là ai hỏi trước, hỏi sau mà quan trọng là làm sao tại phiên tòa việc xét hỏi thể hiện được nguyên tắc “tranh tụng tại phiên tòa”.
Vì vậy, nhiều chuyên gia cho rằng nên bỏ hẳn phần xét hỏi mà sau khi KSV công bố cáo trạng thì chuyển sang phần tranh tụng ngay. Người bào chữa (luật sư) hoặc bị cáo trình bày lời bào chữa. Trong phần tranh tụng, KSV có thể hỏi bị cáo và những người tham gia tố tụng khác để bảo vệ bản cáo trạng; đối với bị cáo, người bào chữa (luật sư) và những người tham gia tố tụng có quyền đặt câu hỏi đối với người khác để chứng minh luận điểm của mình.
Việc tranh luận, kết hợp với xét hỏi tại phiên tòa giữa bên buộc tội và bên gỡ tội sẽ làm cho phiên tòa thực chất là tranh tụng. Nếu bên nào không đủ lý lẽ để bảo vệ luận điểm của mình sẽ được bộc lộ; qua việc tranh tụng, những người dự phiên tòa thấy được trình độ, năng lực của những người tiến hành tố tụng và của người tham gia tố tụng.
Bỏ phần xét hỏi chứ không bỏ việc xét hỏi tại phiên tòa sẽ giúp HĐXX có thời gian đánh giá và tìm ra sự thật của vụ án. Làm được điều này ắt có tranh tụng tại phiên tòa.
Trong phần tranh tụng, ngoài việc xét hỏi, bên buộc tội và bên gỡ tội có thể kết hợp đưa ra những chứng cứ mới. Người hỏi và người trả lời được đánh giá, bình luận, nhận xét nội dung câu hỏi cũng như câu trả lời của nhau, có quyền đồng ý hay phản đối ý kiến của người khác… Việc xét hỏi trong phần tranh tụng chỉ dành cho bên buộc tội và bên gỡ tội, còn chủ tọa phiên tòa chỉ điều khiển việc tranh tụng và xét hỏi theo quy định của pháp luật.
Làm được như vậy thì mới là khâu đột phá quan trọng nhất trong mô hình tố tụng “thẩm vấn gắn liền với tranh tụng”. Cơ quan tiến hành tố tụng khó có thể áp đặt ý chí chủ quan của mình; bị cáo và người tham gia tố tụng thực sự được bình đẳng trước tòa án.
Tương tự, chỗ ngồi tại tòa cũng thế. Nếu cứ cho rằng địa vị pháp lý của KSV là người đại diện cho Nhà nước phải được ngồi cao hơn người bào chữa (luật sư) thì sẽ vi phạm nguyên tắc “mọi người đều có quyền bình đẳng trước phiên tòa”. Bởi lẽ một người bị truy tố ra tòa chưa phải là người có tội, càng không thể gọi họ là kẻ nọ kẻ kia được. Pháp luật đã ghi nhận “KSV, bị cáo, người bào chữa, người bị hại... có quyền bình đẳng trong việc đưa ra chứng cứ và bình đẳng trong tranh luận trước tòa án”.
Không phải luật sư đòi ngồi ngang hàng với KSV là để cho “oai” mà đó là thể hiện sự văn minh công đường. Cả thế giới người ta làm thế, tại sao ở ta cứ phải làm khác!? Không ai phủ nhận vị thế của VKS trong hệ thống chính trị, đừng nhầm lẫn giữa chức năng buộc tội với chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp! Tại phiên tòa, chỗ ngồi như thế nào cũng góp phần thể hiện văn hóa công đường và bảo đảm đúng các nguyên tắc mà BLTTHS đặt ra.
Cũng chẳng khó khăn gì khi để người bào chữa (luật sư) ngồi ngang hàng với KSV. Cũng vẫn hội trường xét xử đó, chỉ cần bố trí cho thư ký phiên tòa ngồi xuống dưới thì sẽ dư ra cái bàn của thư ký, người bào chữa (luật sư) ngồi vào đó, ắt là ngang hàng với KSV ngay. Nếu vụ án có nhiều luật sư thì khi nào luật sư phát biểu lời bào chữa và tranh luận với KSV thì ngồi vào đó, còn những lúc khác thì ngồi ở dưới chờ đến lượt mình, có sao đâu! Một số tòa án đã “thử nghiệm” sắp xếp phòng xử án theo hướng nâng cao chất lượng tranh tụng:Bàn thư ký phiên tòa đặt ngay trước mặt HĐXX, bàn dành cho luật sư được đặt ngang hàng với bàn dành cho đại diện VKS.
Hy vọng chuyện này sẽ được thực hiện triệt để trong lần sửa đổi BLTTHS này.
ĐINH VĂN QUẾ, nguyên Chánh tòa Hình sự TAND Tối cao