Chiều 23-10, thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đặc biệt quan tâm đến quy định về dự án đầu tư, xây dựng công trình, sửa chữa, cải tạo, xây dựng lại nhà ở riêng lẻ trong khu vực bảo vệ di tích, di sản thế giới (Điều 29, dự thảo Luật)...
Cho ý kiến về nội dung này, ĐBQH Dương Văn Phước (Quảng Nam) cho rằng dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) quy định việc sửa đổi, cải tạo, xây dựng nhà ở riêng lẻ trong khu vực bảo vệ di tích phải thực hiện theo quy định về quy hoạch, bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích.
“Tuy nhiên, các quy định này chỉ áp dụng cho dự án do Nhà nước làm chủ đầu tư, chưa có quy định cụ thể cho nhà ở riêng lẻ của người dân. Việc đưa nhà ở của người dân vào quy hoạch và thực hiện các thủ tục lập dự án sẽ gây nhiều khó khăn, tốn nhiều thời gian và kinh phí, có thể dẫn đến phản ứng tiêu cực…” – ĐB Phước nói.
Theo đó, ông đề nghị Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) cần có quy định cụ thể về dự án đầu tư xây dựng, sửa chữa, cải tạo nhà ở riêng lẻ trong khu vực bảo vệ di tích.
Đồng tình với ý kiến này, ĐB Phạm Văn Hoà (Đồng Tháp) cho rằng cần tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn cho các di tích nằm trong khu quy hoạch vì việc sửa chữa, cơi nới phải qua rất nhiều khâu và gặp nhiều khó khăn, thậm chí không sửa chữa được.
“Dù Luật không quy định nhưng Nghị định của Chính phủ cần quy định rõ ràng, rành mạch nội dung này, qua đó giúp người dân có thể thuận tiện trong các thủ tục sửa chữa, cơi nới…” – ĐB Hoà đề nghị.
Cùng góp ý về nội dung này, ĐB Nguyễn Thị Sửu (Thừa Thiên Huế) cho hay một điểm mới trong dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) lần này là có quy định về cải tạo, sửa chữa, xây dựng công trình nhà ở riêng lẻ trong khu vực bảo vệ I và II, nhất là với khu vực II.
Thực tế, các hoạt động kinh tế xã hội trong khu vực này rất khó khăn, do sau khi khoanh vùng khu vực bảo vệ II di tích trên bản đồ địa chính theo Luật Di sản văn hóa, thì bắt buộc trong quy hoạch sử dụng đất ghi chức năng sử dụng là đất di tích, nên khi triển khai, quy hoạch chi tiết xây dựng cũng sẽ thể hiện là đất di tích.
“Vì thế, các hoạt động sửa chữa, cải tạo, xây dựng, sửa chữa nhà cửa trở nên rất khó khăn, chưa kể đến việc xác lập các quyền thừa kế, chuyển nhượng, sở hữu, triển khai các dự án phát triển kinh tế, xã hội...” – ĐB Sửu nói.
ĐB Sửu đề nghị cần khắc phục triệt để tình trạng trên, tạo sự thống nhất giữa Luật Di sản văn hóa với Luật Đất đai, Luật Xây dựng, thể hiện rõ quy định về chức năng sử dụng, khoanh vùng bảo vệ đối với khu vực bảo vệ II.
Trước đó, trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự luật về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết một số ý kiến đề nghị việc phân cấp cho phép đầu tư xây dựng công trình, sửa chữa, cải tạo, xây dựng lại nhà ở riêng lẻ trên cơ sở hiện trạng đã có trong khu vực bảo vệ di tích cần thống nhất và chặt chẽ hơn.
“Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin tiếp thu, đã chỉ đạo chỉnh lý quy định tại điểm a khoản 1 Điều 29 dự thảo Luật” – ông Vinh nói.
Theo đó, quy định này được chỉnh lý theo hướng việc chấp thuận chủ trương đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư dự án đầu tư, xây dựng công trình chỉ được thực hiện sau khi có ý kiến đồng ý bằng văn bản của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đối với di sản thế giới, di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia.
Đối với di tích cấp tỉnh, di tích thuộc danh mục kiểm kê của tỉnh thì việc xây, sửa công trình nhà ở riêng lẻ phải có ý kiến đồng ý bằng văn bản của người đứng đầu cơ quan chuyên môn về văn hóa cấp tỉnh.