Các bên tranh cãi xung quanh nghị định này đều có những quan điểm riêng và bên nào cũng ra sức bảo vệ ý kiến của mình. Ban soạn thảo cũng vô cùng vất vả, trăn trở, cố gắng tích hợp, cân đối ý kiến của nhiều bên. Nhưng tôi cho rằng dự thảo lần này vẫn chưa thỏa đáng và chưa thực sự đạt được những yêu cầu thực tiễn.
Cần có quy định mới cho nhân tố mới
Dòng chảy lịch sử cho thấy phàm những quy định pháp luật được ủng hộ, yêu mến đều là những quy định vì người dân và xuôi theo xu hướng phát triển. Bởi người dân chính là mục tiêu phục vụ, là động lực phát triển của cả xã hội, còn đã là xu hướng thì không thể tránh khỏi, khó thể đi ngược.
Dự thảo thời gian qua đã gặp những vướng mắc, khó khăn cũng vì chưa đáp ứng thỏa đáng được cả hai thước đo nói trên. Các giải trình, tranh cãi đều xoay quanh câu chuyện quản lý nhà nước, cạnh tranh lành mạnh, thu thuế mà chưa thấy bóng dáng của người dân và xu thế ở đâu, mà nếu có cũng chỉ là phần chắp nối được đặt xuống cuối cùng.
Vì vậy, theo tôi, để quản lý cái mới (xe công nghệ), cần có quy định mới, riêng biệt dành cho nhân tố mới có lợi trên thị trường. Trong ba năm thí điểm loại hình hợp đồng điện tử, người dân đều hiểu rõ những ưu điểm mà loại hình này mang lại cho họ. Tất cả bên liên quan cũng đều nhất trí rằng các ứng dụng kết nối là một mô hình mới, kết quả tất yếu của xu hướng phát triển trên thế giới.
Để tiếp tục phát huy những ưu điểm trên, vừa thuận theo xu hướng và gia tăng lợi ích cho người dân, tôi nhất trí với quan điểm của Bộ TT&TT là dành riêng cho mô hình ứng dụng kết nối một cơ chế riêng.
Cơ chế này phải cho phép Chính phủ quy định phù hợp để đảm bảo quyền lợi của hành khách (người tiêu dùng), cũng như điều chỉnh những quan hệ dân sự và đảm bảo các lợi ích công, lợi ích với Nhà nước trong khuôn khổ pháp luật cho phép. Nhưng đồng thời vẫn tôn trọng mô hình kinh doanh mới và tạo không gian cho các doanh nghiệp (DN) sáng tạo và phát triển.
Với những tiêu chí trên, tôi đề xuất phân loại các ứng dụng này là các “đại lý vận tải hành khách” thuộc các dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ, phù hợp với Điều 82 Luật Giao thông đường bộ và Mục 4 Chương V của Luật Thương mại.
Quy định gắn hộp đèn cho taxi công nghệ đến nay vẫn đang gây nhiều tranh cãi. Ảnh: V.LONG
Thay thế dấu hiệu nhận biết
Tôi cho rằng nếu giày chật thì cần mua giày mới, đừng bắt DN và người dân “gọt gót chân” cho vừa giày cũ.
Thú thật tôi cảm thấy chạnh lòng và đau xót khi đọc những quy định trong dự thảo. Tôi cũng có chút khó hiểu khi ban soạn thảo một mặt tuyên bố đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong quản lý, điều hành vận tải, một mặt lại đưa ra những quy định mang tính “phân biệt đối xử” với những phương tiện, DN ứng dụng công nghệ. Điển hình là yêu cầu đeo mào xe (xe thường chỉ phải niêm yết chữ, xe ứng dụng phải có hộp đèn nóc) và quy định về hợp đồng điện tử (nhiều nội dung tối thiểu bắt buộc, tất cả nội dung phải hiển thị trên một giao diện).
Hai quy định này thể hiện rõ tư duy “buộc cái mới theo cái cũ” của ban soạn thảo, tức là anh cũ làm sao anh mới phải theo vậy. Về tác hại, tôi xin không đi sâu nữa, vì quan điểm này đã được trình bày rất nhiều rồi.
Tôi xin dẫn chứng, trước đây taxi của nước Anh là xe ngựa kéo nên có quy định trên xe lúc nào cũng phải có một bó cỏ khô hoặc yến mạch để cho ngựa ăn lúc đói. Quy định độc đáo này rất phù hợp với xe ngựa nhưng chỉ cho tới khi nó được áp dụng cho cả taxi bằng ô tô: Taxi vẫn phải mang theo một bó cỏ nếu không muốn bị phạt!
Để tránh những câu chuyện tương tự xảy ra, vẫn với hai thước đo nói trên, tôi cho rằng nên nới lỏng các quy định trong dự thảo, thay vì yêu cầu DN phải làm gì thì chỉ cần đưa ra những gì DN không được làm.
Cụ thể, với quy định về nhận biết phương tiện, nên bỏ quy định hộp đèn cho toàn bộ thị trường. Thay vào đó, Chính phủ có thể quy định phương tiện kinh doanh phải có dấu hiệu để dễ nhận biết cho khách hàng. Dấu hiệu này sẽ do DN tự sáng tạo và quyết định, ví dụ như hộp đèn, dán decal (đủ to và có thể nhìn thấy vào buổi tối), sơn xe… và phải được thông báo với cơ quan có thẩm quyền.
Chính phủ chỉ nên đưa ra những hạn chế với các dấu hiệu nhận biết này để không ảnh hưởng đến lợi ích chung, như không được hụ còi, lắp đèn pha, dấu hiệu không được gây mất an toàn, cản trở tầm nhìn…
Với quy định về hợp đồng điện tử, thực tế pháp luật hiện tại về dân sự và giao dịch điện tử đã tương đối hoàn chỉnh. Tôi thấy rằng dự thảo không cần thiết phải quy định thêm để tránh chồng chéo, gánh nặng cho DN.
Những kiến nghị này tôi cũng vừa gửi Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng. Trong đó, tôi mong Chính phủ có chỉ đạo sát sao để đưa ra những quy định phù hợp, không chỉ vì sự phát triển của ngành vận tải nói riêng mà còn là bước khởi động vững chắc của đất nước Việt Nam trên con đường tiến đến công nghiệp 4.0. “Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm và cái gì cũ mà xấu thì phải bỏ. Cái gì cũ mà không xấu nhưng phiền phức thì phải sửa đổi cho hợp lý. Cái gì mới mà hay thì phải làm” - đây là những lời chỉ dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ xưa mà vẫn vô cùng sâu sắc, quan trọng với đất nước ở bất kỳ giai đoạn nào. |