Sửa quy định, người lao động dễ tiếp cận gói hỗ trợ

Đầu tháng 7-2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết 68 về một số chính sách hỗ trợ người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch COVID-19 (gói 26.000 tỉ đồng). Trong quá trình thực hiện, một số địa phương vẫn còn chậm chi hỗ trợ đến người dân.

Từ thực tế trên, Bộ LĐ-TB&XH đã có đề xuất Chính phủ mở rộng đối tượng, quy mô và thời gian được hỗ trợ để phù hợp với tình hình mới.

Ngày 8-10, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 126 sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 68 để gỡ vướng một số quy định như xác định doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động do ảnh hưởng của dịch đối với địa phương áp dụng Chỉ thị 16. Nếu địa phương nào áp dụng theo Chỉ thị 16 là được hỗ trợ mà không cần phải ở vùng phong tỏa hay phải có quyết định tạm dừng kinh doanh như theo quy định trước đây của Nghị quyết 68…

Tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động

Trao đổi với PV về vấn đề trên, bà Lê Thị Kiều Phượng, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm TP.HCM (gọi tắt là trung tâm), thuộc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM, cho biết trong thời gian qua trung tâm đã nhận được nhiều hồ sơ đề nghị hỗ trợ của NLĐ nghỉ việc không đủ điều kiện nhận trợ cấp thất nghiệp qua cổng dịch vụ công.

Tuy nhiên, hồ sơ đủ điều kiện để giải quyết rất ít. Bởi theo quy định, một trong những điều kiện được hỗ trợ là NLĐ làm việc tại doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở giáo dục dân lập… phải dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng chống dịch. Khi xét duyệt hồ sơ, trung tâm khó xác nhận đơn vị nào phải tạm dừng hoạt động theo quy định để giải quyết hồ sơ đề nghị hỗ trợ của NLĐ.

Người dân làm thủ tục tại Trung tâm Dịch vụ việc làm TP.HCM.
Ảnh: NGUYỆT NHI

Tuy nhiên, khi Nghị quyết 126 được ban hành thì việc xác định NLĐ làm việc theo hợp đồng lao động, phải chấm dứt hợp đồng lao động do người sử dụng lao động bị tạm dừng hoạt động có trụ sở chính, chi nhánh… kinh doanh trên địa bàn áp dụng Chỉ thị 16 thì không cần có xác nhận nữa. Việc này tạo điều kiện thuận lợi để NLĐ được nhận hỗ trợ.

Gỡ vướng cho hộ kinh doanh chưa nhận hỗ trợ

Tại TP Vũng Tàu, nhiều hộ kinh doanh nhà nghỉ nhỏ cũng từng phản ánh khi địa phương áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 để phòng chống dịch COVID-19, nhà nghỉ phải tạm dừng kinh doanh, không có khách.

Sau khi các hộ kinh doanh làm hồ sơ gửi đến UBND phường để xem xét hỗ trợ theo Nghị quyết 68 thì địa phương trả lại hồ sơ với lý do dịch vụ lưu trú không bị cấm hoạt động khi giãn cách xã hội nên không thuộc diện được hỗ trợ.

Liên quan đến tình hình trên, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có thông tin các nhà nghỉ, khách sạn trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16 nhưng không nằm trong khu phong tỏa, phải cách ly thì không được hỗ trợ.

Sở này cũng nhận định đây là điều thiệt thòi cho các hộ kinh doanh, người dân. Tuy nhiên, do Nghị quyết 68 nêu rõ như vậy nên địa phương chưa chi hỗ trợ được.

Mới đây, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã có công văn gửi đến các cơ quan liên quan về việc tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết 126.

Trên cơ sở Nghị quyết 126, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu yêu cầu Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu chủ trì, phối hợp với Sở Y tế, UBND các huyện, thị xã, TP cùng các cơ quan liên quan có trách nhiệm tổ chức thực hiện chính sách hỗ trợ NLĐ và người sử dụng lao động theo Nghị quyết 126; đồng thời rà soát, đề xuất điều chỉnh các chính sách hỗ trợ NLĐ và người sử dụng lao động phù hợp với Nghị quyết 126.•

 

Bổ sung nhiều diện được nhận hỗ trợ

Về chính sách hỗ trợ hộ kinh doanh, theo Nghị quyết 68 sẽ hỗ trợ các hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh, có đăng ký thuế và phải dừng hoạt động từ 15 ngày liên tục trở lên trong thời gian từ ngày 1 đến 31-5-2021. Việc dừng hoạt động phải theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng chống dịch COVID-19.

Nghị quyết 126 đã bổ sung nhóm hộ kinh doanh sau được hỗ trợ như sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, làm muối và những người bán hàng rong, quà vặt, buôn chuyến, kinh doanh lưu động, kinh doanh thời vụ, làm dịch vụ có thu nhập thấp không phải đăng ký hộ kinh doanh. 

Điều kiện được hỗ trợ là phải dừng hoạt động từ 15 ngày trở lên do yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng chống dịch COVID-19, hoặc do có địa điểm kinh doanh trên địa bàn phải thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo Chỉ thị 16 từ ngày 1-5 đến 31-12-2021. Mức hỗ trợ một lần là 3 triệu đồng/hộ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm