BS Nguyễn Văn Trương, Giám đốc BV Hùng Vương, giải thích: “Theo quy định, đứa bé sau khi sinh trên đùi sẽ ghi tên mẹ bằng mực khó phai. Khi tiếp nhận, tên sản phụ vẫn còn lưu trên đùi bé. Hơn nữa, bà ngoại cũng nhận ra cháu bé. Trong trường hợp cần thiết, chúng tôi sẽ tiến hành thử ADN. Sau khi tiếp nhận cháu bé, BV khám và ghi nhận sức khỏe hoàn toàn bình thường”.
Vậy quy trình giám sát trẻ sơ sinh của BV có chặt không? Đứa bé bị bắt cóc bằng hình thức nào? BS Trương cho biết thông thường sáu tiếng sau khi sinh sản phụ được chuyển qua khoa Hậu sản, có thể gặp gỡ gia đình, người quen. Khi bé xuất viện phải đầy đủ giấy tờ và được bảo vệ khoa Hậu sản kiểm soát kỹ. Tuy nhiên, sau khi rà soát quy trình, BV phát hiện vẫn còn kẽ hở. Cụ thể là camera không ghi hình hết toàn bộ khu vực. Có một lối đi mà bảo vệ không thể phát hiện. Mặc dù chưa có kết luận chính thức nhưng theo ông, đối tượng sau khi vượt khỏi tầm kiểm soát của chốt bảo vệ khoa Hậu sản đã đưa đứa bé ra khỏi BV bằng xe máy hoặc chuyền bé qua hàng rào trên đường Triệu Quang Phục mà camera không ghi hình được.
BS Nguyễn Văn Trương đang trả lời báo chí. Ảnh: TRẦN NGỌC
BS Trương cho biết khoa Nội trú và khoa Ngoại trú của BV liền kề nhau nên có nguy cơ rủi ro lẫn lộn giữa bé sơ sinh và trẻ chích ngừa. Tới đây, BV sẽ nhanh chóng tách rời hai khu vực trên, lắp đặt thêm camera và sẽ kiểm tra những người mang theo túi xách có kích thước trên dưới 40 cm”.
Nhiều PV đặt câu hỏi sao BV không tiếp tục giữ bé để theo dõi sức khỏe và điều tra thêm mà lại cho xuất viện? BS Trương cho rằng trẻ sinh thường sau 48 tiếng đã có thể xuất viện, trong khi đứa bé bắt cóc nằm trong diện sinh thường.
PV đặt câu hỏi: “Trong vụ bắt cóc trẻ sơ sinh tại BV quận 7, khi báo chí thông tin rộng rãi thì thu hút nhiều người quan tâm, nhanh chóng tìm ra thủ phạm. Vì sao BV Hùng Vương không thông tin cho báo chí ngay khi xảy ra vụ bắt cóc?”. BS Trương nói: “Điều này phụ thuộc vào cơ quan điều tra”.
TRẦN NGỌC