Báo động đỏ, hạ thân nhiệt cứu du khách ngừng thở 15 phút

Ngày 21-5, Bệnh viện (BV) Đà Nẵng cho biết nơi đây vừa cứu sống một bệnh nhân ngừng thở hơn 20 phút do đuối nước nhờ kích hoạt quy trình báo động đỏ và áp dụng kỹ thuật hạ thân nhiệt.

Bệnh nhân là anh PMQ (28 tuổi, Hà Nội), đến Đà Nẵng du lịch. Trong lúc tắm biển, anh Q. bị dòng nước xoáy nhấn chìm hơn 3 phút, được những người có mặt tại hiện trường vớt lên cấp cứu ngưng tuần hoàn 15 phút, sau đó chuyển đến BV.

Khoảng 19 giờ ngày 8-5, BV Đà Nẵng tiếp nhận bệnh nhân Q. trong tình trạng hôn mê sâu, suy hô hấp cấp, toàn thân tím tái, khí máu toan hóa rất nặng.

Bệnh nhân Q. tại thời điểm điều trị tại BV Đà Nẵng. Ảnh: BVCC

Ngay lập tức, Khoa Hồi sức chống độc đã kích hoạt quy trình báo động đỏ. Đội phản ứng nhanh trực chiến dự phòng của khoa khẩn trương có mặt và quyết định thực hiện kỹ thuật hạ thân nhiệt chỉ huy để bảo vệ bệnh nhân khỏi tổn thương não.

Hạ thân nhiệt chỉ huy là kỹ thuật mới được áp dụng tại BV Đà Nẵng giúp tăng cơ hội sống cho người bệnh mà không để lại bất cứ di chứng thần kinh đáng tiếc. Theo đó, nhiệt độ của bệnh nhân sẽ được hạ xuống 33 độ C trong 24 giờ đầu nhằm bảo vệ não. Sau đó sẽ nâng dần cho tới khi nhiệt độ cơ thể về mức bình thường.

Sau ba ngày điều trị, bệnh nhân Q. được cai máy thở và tập phục hồi chức năng. Sức khỏe ổn định nên bệnh nhân vừa được xuất viện. 

Theo BS Hà Sơn Bình, phụ trách Khoa Hồi sức chống độc, việc ngưng tim dù chỉ ba phút nhưng nếu không cấp cứu kịp thời có thể dẫn đến tử vong. Nếu được cứu sống thì cũng có thể để lại di chứng tổn thương não rất nặng nề. Nhẹ có thể gây mất trí nhớ, liệt nửa người, co giật, động kinh, nặng hơn là liệt toàn thân, nằm tại chỗ, hôn mê (sống thực vật).

Vì vậy, kỹ thuật hạ thân nhiệt giống như cho bệnh nhân “ngủ đông” nhằm giảm quá trình chuyển hóa của não, giảm tình trạng tổn thương não, cung cấp oxy tốt hơn. Từ đó bảo vệ và cải thiện chức năng thần kinh trung ương, chức năng não bộ ở những bệnh nhân sau ngừng tuần hoàn.

"Việc kích hoạt quy trình báo động đỏ yêu cầu đội phản ứng nhanh trực chiến dự phòng của khoa phải có mặt ngay tại BV trong thời gian sớm nhất. Tối ưu nguồn lực và thời gian vàng để phối hợp, hỗ trợ khẩn cấp, cứu sống bệnh nhân. Nhờ quy trình này mà tập thể y, bác sĩ BV đã cứu sống ngoạn mục rất nhiều trường hợp” - BS Bình nói thêm. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm