Bệnh nhân hậu COVID-19: ‘Giờ đau cái gì tôi cũng nghĩ 'chắc chết quá’'

Ngày 16-1, bà Lâm Thị Thu (64 tuổi, ngụ quận Phú Nhuận) đã đến Viện Y dược học Dân tộc TP.HCM, địa điểm triển khai chương trình “Chung tay chăm sóc sức khỏe nhân dân hậu nhiễm COVID-19” chủ đề “Sức khỏe nhân dân – Nụ cười thầy thuốc” để thăm khám sức khỏe sau khi mắc COVID-19. 

Bà Thu bị mắc COVID-19 vào tháng 8-2021, được điều trị tại BV dã chiến số 3 (TP Thủ Đức) và xuất viện ngày 3-9.

Trong quá trình điều trị, bà Thu có biểu hiện ho, mất vị giác, khứu giác, không cần phải dùng đến các biện pháp hỗ trợ hô hấp như thở oxy.

Tuy nhiên, sau hơn 3 tháng về nhà, bà xuất hiện nhiều triệu chứng như tóc rụng từng nắm, lo âu, hay quên, nhức mình mẩy, ngủ hay khó thở và nghẹt ở cổ, căn bệnh đau khớp trước đây trầm trọng hơn.

Bà Thu chia sẻ khi nằm viện điều trị, bà nghe tin tức nhiều người chết vì COVID-19 và chứng kiến cả những người hàng xóm, người thân của mình mắc bệnh chết nên bà cảm thấy rất sợ hãi, nỗi sợ ám ảnh vẫn còn đeo bám bà đến tận bây giờ.

Chương trình khám và tầm soát cho bệnh nhân hậu COVID-19 thu hút nhiều người. Ảnh: HOÀNG LAN

“Không hiểu sao giờ tôi hay lo âu lắm. Giờ đau cái gì tôi cũng nghĩ là chắc chết quá, sợ chết lắm. Lúc trước tôi cũng không có hay quên như bây giờ. Có khi tôi định đến mở tủ lạnh lấy quả ớt nhưng khi đến tủ lạnh thì tôi không còn nhớ mình muốn lấy gì hay đi ra chợ thì quên mang tiền theo”- bà Thu kể lại.

Trong số những người đến thăm khám triệu chứng hậu COVID-19, có không ít những người trẻ tuổi.

Anh Nguyễn Tấn Giàu (31 tuổi, ngụ quận Gò vấp) chia sẻ phát hiện mắc COVID-19 vào tháng 9-2021. Do có triệu chứng nhẹ như chỉ mất khứu giác, ho nên anh được cách ly tại nhà. Tuy nhiên, sau 2 tuần kết thúc cách ly vì có kết quả âm tính, anh vẫn còn ho khan, có đàm nhẹ liên tục, anh uống thuốc đông y nên triệu chứng bớt dần.

Anh Giàu chia sẻ: “Hiện cổ tôi hay có đàm nhẹ nên giọng khàn, hơi khác ban đầu. Sau khi bệnh, tôi thấy sức khỏe mình cũng giảm sút. Trước đó, tôi làm được nhiều việc nặng lắm như vác bao gao 50 kg là việc dễ dàng với tôi nhưng nay phải có người đỡ thì tôi mới vác được”. 

TS-BS Trương Thị Ngọc Lan, Phó Viện trưởng Viện Y Dược học Dân tộc cho biết trong quá trình tham gia hỗ trợ chống dịch, Viện Y học Dân tộc đã nhận thấy những tác động của giai đoạn hậu COVID-19 đến sức khỏe người bệnh nên đã tham mưu Bộ Y tế về việc ban hành hướng dẫn 4539  tạm thời sử dụng y, dược cổ truyền để phòng, chống dịch COVID-19 từ khá sớm.

Theo TS-BS Lan, quan điểm hỗ trơ y học cổ truyền cho bệnh nhân hậu COVID-19 khá thích hợp vì không thuần túy sử dụng thuốc mà hỗ trợ tổng thể, bệnh nhân có thể luyện tập thư giãn kèm chế độ ăn uống thưc hiện tại nhà, giúp nâng cao sức khỏe về lâu dài.

Trong ngày đầu tiên triển khai chương trình (15-1), chương trình đã tiếp nhận 482 bệnh nhân lớn tuổi có triệu chứng hậu COVID-19 ở TP Thủ Đức đến khám. Bệnh nhân được cho khám nội khoa như chụp X-quang, điện tim, sàng lọc tâm lý toàn bộ, trong đó có 60 người đã được tư vấn tâm lý tại chỗ.

Có 3 triệu chứng  sớm và nhiều nhất được ghi nhận nhiều nhất ở người bệnh hậu COVID-19 đến khám là ho rất nhiều, mất ngủ và đau nhức khớp. Tất cả đều có cảm giác mệt mỏi sau khi mắc bệnh.

Người bệnh hậu COVID-19 được một chuyên viên tâm lý tư vấn. Ảnh: HOÀNG LAN

Theo BS Ngọc Lan, theo đông y, bệnh nhân hậu COVID-19 thường bị khí suy nên dẫn đến thường xuyên mệt mỏi, vã mồ hôi, chỉ cần làm chút xíu đã mệt và được phân thành 4 thể. Mỗi thể có phương pháp điều trị phù hợp khác nhau.

Thể 1 là khí âm lưỡng hư. Bệnh nhân thường cảm thấy nóng, bứt rứt bồn chồn nên khó ngủ.

Thể 2 là phế tì khí hư, ngoài khí suy chung, bệnh nhân thường có rối loạn tiêu hóa đầy bụng, dễ tiêu chảy, chán ăn.

Thể 3 là khí hư huyết ứ, thường xuất hiện ở bệnh nhân có dị chứng tắc mạch do COVID-19, bệnh nhân thường thấy đau và nặng vùng ngực khá nhiều.

Thể 4 là thuần túy suy nhược, bệnh nhân thường hoa mắt, chóng mặt, xây xẩm khi ngồi xuống đứng lên.

Ngoài ra, nếu bệnh nhân có thêm các triệu chứng khác như ho nhiều, mất ngủ, đau khớp, có vấn đề tâm lý... sẽ được cho dùng thêm các phương pháp như châm cứu, xoa bóp, bấm huyệt, thành lập tổ tư vấn lâm sàng hỗ trợ tâm lý cho người bệnh.

Các bệnh nhân nặng được giới thiệu chuyển viện đến các khoa tim mạch, hô hấp, thần kinh... để điều trị tiếp tục.

 Chương trình Chung tay chăm sóc sức khỏe nhân dân hậu nhiễm COVID-19, với chủ đề “Sức khỏe nhân dân – Nụ cười thầy thuốc” do Ban Dân vận Thành ủy TP.HCM, Trung ương Hội đông Y chỉ đạo thực hiện với sự phối hợp của các đơn vị Hội Đông Y TP.HCM, Báo Sài Gòn Giải phóng, Hội người cao tuổi, UBND Quận Phú Nhuận, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Bệnh viện Nhi đồng 2, Viện Y dược học Dân tộc tổ chức.

Chương trình sẽ khám, tầm soát bệnh và sàng lọc, tư vấn tâm lý, phát tặng các sản phẩm y học cổ truyền từ dược liệu, tờ rơi nâng cao thể trạng (xoa bóp, dưỡng sinh, ăn uống), các biện pháp theo dõi, phòng ngừa tái nhiễm COVID-19... cho 12.000 người từ nay đến hết tháng 4-2022.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm