Chuyển tầng cho F0, thách thức lớn nhất trong điều trị bệnh nhân COVID-19
Hiện mô hình điều trị bệnh nhân COVID-19 tại TP.HCM đã điều chỉnh còn 3 tầng, giúp thay đổi khá nhiều ở tầng 1 và tầng 2. Đã có những tín hiệu lạc quan hơn từ việc điều chỉnh này, như: bệnh nhân đã có thể tiếp cận được sớm với hệ thống y tế do có nhiều nhân viên y tế công lập và tư nhân tham gia cùng các anh chị y bác sĩ ở các tuyến phường, quận, huyện hỗ trợ tham vấn điều trị F0 nhẹ tại nhà; số giường bệnh ở các bệnh viện thuộc tầng 2, 3 tăng lên do nhiều bệnh viện quận và thành phố, công và tư đã tiếp nhận bệnh nhân COVID-19. Mặc dù vậy, tình hình vẫn chưa hạ nhiệt vớI tỉ lệ nhập viện và tử vong của bệnh nhân chưa giảm.
PLO xin giới thiệu bài viết của PGS.TS.BS Vũ Minh Phúc, nguyên Phó Trưởng Khoa Y ĐHYD TP.HCM, Giảng viên ĐHYD TP.HCM:
Tham gia tư vấn điều trị bệnh nhân F0 tại nhà cùng với các anh chị nhân viên y tế tầng 1, tôi nhận thấy có 5 vấn đề sau xảy ra ở tầng 1 cần được cải thiện:
1. Sử dụng thuốc kháng viêm và chống đông.
2. Theo dõi sát bệnh nhân.
3. Nhận diện kịp thời bệnh nhân nặng.
4. Chỉ định và điều trị oxy tại nhà.
5. Chuyển bệnh nhân lên tầng trên (tầng 2, 3).
Điều trị bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện dã chiến số 12. Ảnh: Nguyệt Nhi
Trao đổi với nhân viên y tế ở tầng 1, hầu hết đều muốn tôi phân tích vấn đề thứ 5: Chuyển tầng cho F0, và cho rằng đây là thách thức lớn nhất từ đầu mùa dịch tới giờ, chưa hề được cải thiện và điều này phần nào giải thích vì sao con số tử vong chưa thể giảm.
Vấn đề này nhân viên y tế tầng 1 không thể nào giải quyết được vì thực sự nó là vấn đề của tầng 2, 3 và của hệ thống tổ chức y tế.
Vì sao rất khó chuyển F0 ở nhà hoặc cơ sở y tế tầng 1 trở nặng lên tầng 2,3, khiến bệnh nhân thiếu oxy máu kéo dài và hầu như khó tránh phải thở máy và tử vong sau đó?
Theo nhận xét của tôi có 3 nguyên nhân chính sau:
Quy trình chuyển bệnh nhân nặng sai nguyên tắc cấp cứu
Hiện chúng ta đang ban hành và áp dụng một qui trình máy móc dẫn đến sai cơ bản về nguyên tắc cấp cứu.
Bệnh nhân cần tiếp cận được với hệ thống y tế nhanh nhất và hiệu quả nhất không chỉ đơn thuần là họ được gặp nhân viên y tế mà họ phải được hỗ trợ tốt nhất, đúng nhất, hiệu quả nhất.
Nếu hiểu đúng theo ý này thì có lẽ chúng ta không đạt, vì rõ ràng bệnh nhân trở nặng cần được hỗ trợ điều trị thích hợp nhanh chóng ở tầng trên nhưng chúng ta không làm điều này.
Quy trình hiện nay là khi bệnh nhân trở nặng, chúng tôi phải báo đội phản ứng nhanh, rồi tới y tế phường, rồi phường báo quận, rồi quận mới tìm nơi chuyển có khi mấy giờ đồng hồ, phải có nơi nhận thì gọi 115 hay 113 mới chuyển, nếu không nơi nào nhận thì cũng không chuyển được.
Nhiều bệnh nhân chỉ số oxy máu thấp (SpO2), nhân viên y tế đã cho thở oxy nhưng vẫn không hiệu quả (SpO2 < 90%), thậm chí có những bệnh nhân còn 60-80%, nhưng cũng không được phép sai trình tự, nhiều gia đình nóng lòng đem đến bệnh viện gần nhất đều yêu cầu đưa về trở lại cho đúng trình tự. Dù Sở y tế có ra công văn, bệnh viện nào từ chối sẽ chịu trách nhiệm nhưng sự việc vẫn tiếp diễn. Tôi đã gặp nhiều trường hợp như vậy và tất cả sau đó đều phải thở máy và tử vong dù lúc gọi cấp cứu SpO2 là 90%.
Vì vậy, Sở y tế nên xem xét lại qui trình tiếp nhận bệnh nhân nặng, có quyền vượt tuyến, không theo trình tự.
Không có đầu mối để tầng 1 liên lạc được với tầng trên
Chúng tôi có danh sách các bệnh viện tầng 2, 3 và địa chỉ, nhưng không có số điện thoại; cũng có bệnh viện cung cấp số điện thoại nhưng thường của lãnh đạo như Giám đốc, Phó giám đốc, Trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp, … nhưng các vị thường bận và không trực tiếp giải quyết, phải chuyển đi vòng vòng hoặc gọi nhưng không nhấc máy, hoặc trả lời “để hỏi xem còn giường không”.
Gần đây, Sở y tế có cho ra một ứng dụng trên smart phone là app Oxy 247, nhưng tra cứu chỉ thấy số giường bệnh, máy thở còn trống của các bệnh viện, tuyệt nhiên không có bất kỳ số điện thoại nào để liên lạc hỏi, chuyển bệnh.
Chúng tôi đề nghị điều chỉnh app Oxy 247 càng sớm càng tốt, cung cấp số điện thoại của các bệnh viện tầng 2, 3 để nhân viên y tế tầng 1 có thể liên lạc để chuyển bệnh, nhưng phải là số điện thoại thực của người thực sự có trách nhiệm thi hành chứ không phải là số ảo (gọi không ai nhấc máy, hoặc số điện thoại của lãnh đạo bệnh viện).
Đồng thời, đề nghị Sở y tế tăng cường giám sát hệ thống y tế, ví dụ mỗi ngày ngẫu nhiên gọi vào số điện thoại của các trạm y tế phường, đội phản ứng nhanh, bệnh viện, cơ sở y tế của các tầng với vai trò của dân xem thực sự hệ thống có hoạt động hay không.
Vai trò của trung tâm cấp cứu 115 rất mờ nhạt
Họ chẳng khác gì nhân viên y tế tầng 1, cũng không biết chuyển bệnh nhân đi đâu và hỏi ngược lại chúng tôi có chỗ nào nhận thì họ chuyển. Vai trò của Trung tâm cấp cứu là phải có mặt ngay ở hiện trường, hồi sức cấp cứu bệnh nhân và phải biết thông tin của các bệnh viện tầng 2, 3, tự liên hệ các bệnh viện và có quyền chuyển bệnh nhân tới đúng nơi gần nhất theo đánh giá lâm sàng (giống như 911 của Mỹ). Hiện 115 họ cũng không biết và cũng không có quyền.
Đề nghị Sở Y tế tăng cường năng lực và quyền hạn của trung tâm cấp cứu 115: (1) năng lực hồi sức và trang thiết bị hồi sức bệnh nhân tại hiện trường, (2) các bệnh viện phải cung cấp thông tin về số giường bệnh thường và ICU cho trung tâm 115 liên tục qua mạng, (3) trung tâm có quyền điều phối và chuyển bệnh nhân đến nơi gần nhất dựa trên thông tin được cung cấp và các bệnh viện không được phép từ chối.
Tham gia hỗ trợ các BS tầng 1, tôi nhận thấy các anh chị nhận diện bệnh tốt, đánh giá chính xác nhưng hầu như không thể chuyển bệnh nhân khi nặng chính vì thế khi vào tới tầng 2 thì quá muộn, ca bệnh tử vong. Vì vậy, khắc phục các hạn chế trong chuyển tầng cho F0, nhất là tầng 1 lên tầng sẽ là yếu tố tiên quyết, giúp giảm thiểu đến mức thấp nhất số ca tử vong trong tình hình hiện nay.
Cải thiện chất lượng tầng 2, 3 để giải phóng nhanh giường trống
Phải có một nhóm quản lý chất lượng điều trị ở các bệnh viện tầng 2, 3 để hỗ trợ cải thiện, giúp giải phóng giường bệnh nhanh nhất có thể.
Phải giúp bổ sung trang thiết bị một cách chính thống cho các bệnh viện, không để các bệnh viện thiếu thốn và nhân viên y tế tự lo kêu gọi hỗ trợ như hiện nay.
(PLO)- Khi virus SARS-CoV-2 khó có thể biến mất, ngay cả người tiêm vaccine tuy giảm nguy cơ chuyển nặng và tử vong nhưng vẫn có thể bị lây nhiễm thì một mô hình chăm sóc F0 cộng đồng là rất cần thiết.