Mô hình chăm sóc F0 để giảm thiểu ca tử vong ở TP.HCM

Theo thống kê của Bộ Y tế, tính đến chiều 14-8, riêng TP.HCM đã có hơn 4.300 bệnh nhân (BN) COVID-19 tử vong. Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức cho biết những ngày gần đây, trung bình có đến 241 ca tử vong/ngày. Vì vậy, chiến lược giảm F0 tử vong đang được TP quan tâm nhất.

TP.HCM hiện nay đang áp dụng mô hình tháp năm tầng điều trị cho F0. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia y tế cho rằng TP cần một mô hình chăm sóc F0 trong cộng đồng hiệu quả hơn về thực tiễn để giảm thiểu tử vong, tái thiết đời sống xã hội.

Điều kiện của chiến lược chăm sóc F0 cộng đồng

Theo nghiên cứu ở các nước và diễn biến tại Việt Nam, phần lớn F0 sẽ không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ. Sau đó là nhóm BN có triệu chứng trung bình và nặng. Ít nhất là nhóm rất nặng, cần các biện pháp chữa trị y tế chuyên sâu. Vì vậy, nguyên tắc quan trọng nhất khi chữa trị chính là: Sàng lọc, phân loại BN để có phương pháp và địa chỉ điều trị phù hợp.

Ngoài ra, với biến thể Delta, F0 gia tăng rất nhanh, vì vậy nếu công tác sàng lọc không đáp ứng tiêu chí về thời gian và độ chính xác thì khâu chữa trị sẽ lúng túng, dễ dẫn đến chồng lấn F0 giữa các tầng điều trị (ví dụ: F0 nhẹ lên tầng cao, còn F0 nặng lại nằm tầng thấp), gây quá tải hệ thống y tế, tăng số ca tử vong.

(Nguồn: Tham khảo mô hình của ĐH Y Dược TP.HCM và khuyến cáo
của một số chuyên gia y tế)

Thế nên điều kiện tiên quyết để chăm sóc F0 cộng đồng hiệu quả chính là công tác xây dựng hệ thống thông tin, dữ liệu phải kịp thời, hiệu quả. Càng nhận và nhập liệu F0 nhanh, quá trình sàng lọc càng được kích hoạt sớm. Khâu dữ liệu càng hiệu quả thì khi F0 đến đâu, các y bác sĩ cũng có đủ thông tin để chữa trị, cấp cứu kịp thời.

Qua khảo sát ở TP.HCM, có trường hợp công tác làm dữ liệu chậm, đến khi bác sĩ liên hệ F0 để sàng lọc, tư vấn chữa trị thì F0 cho biết họ đã… “khỏi bệnh mấy ngày rồi”. Cũng có trường hợp khi y tế nắm thông tin và tiếp cận thì người nhà báo F0 trở nặng, đã tử vong. Vì vậy cần ứng dụng công nghệ để đảm bảo hệ thống dữ liệu của F0 được tích hợp một cách thông minh nhất, hệ thống y tế dễ tiếp cận nhất.

Song song đó, khi F0 đã được sàng lọc thì các khâu phối hợp giữa các tầng điều trị phải cực kỳ nhuần nhuyễn. Trong đó, các cơ quan chính quyền địa phương nắm vai trò phối hợp về mặt hành chính, ví dụ: Thông tin cá nhân F0; quản lý di chuyển F0 trong thời gian giãn cách, tuyên truyền thông tin để F0 phối hợp; phát hiện và xử lý các trường hợp lợi dụng dịch bệnh để lừa đảo F0 (ví dụ bán thuốc)… Các cơ quan y tế đóng vai trò tư vấn, chữa trị, bao gồm sàng lọc, tư vấn, ra quyết định điều trị F0 (tại nhà hoặc tại các địa điểm y tế công cộng phù hợp). Muốn vậy, khâu tập huấn dành cho các y bác sĩ, điều dưỡng cũng như bộ phận hành chính phải thật kỹ.

Linh hoạt cân đối nguồn lực

Thực tế, nguồn lực y tế gồm y bác sĩ và trang thiết bị, số lượng cơ sở y tế, phòng khám, BV… phân bổ không đồng đều giữa các địa phương trên địa bàn TP. Vì vậy, mỗi quận, huyện tùy thuộc vào nguồn lực nên linh hoạt xây dựng cho mình một mô hình dựa vào bốn trụ cột quan trọng đã nêu, gồm (i) Nhóm tiếp cận và thông tin F0; (ii) Nhóm sàng lọc, chăm sóc y tế cơ sở; (iii) Nhóm cấp cứu; và (iv) Nhóm chăm sóc chuyên sâu cho BN. 

Bốn trụ cột của mô hình chăm sóc F0

Khảo sát qua mô hình chăm sóc F0 trong cộng đồng tại quận 10 và đang triển khai ở quận 8 (do nhóm các y bác sĩ ĐH Y Dược TP.HCM phụ trách) cùng với ý kiến của các chuyên gia y tế, có thể thấy TP.HCM cần một mô hình gồm bốn trụ cột chính.

Thứ nhất là nhóm tiếp cận thông tin các F0 (nhóm 1), xuất phát từ đơn vị hành chính gần nhất với F0 - các phường/xã, thực hiện ba nhiệm vụ chính: (i) Tiếp nhận thông tin từ F0 (hoặc gia đình họ), F0 từ khu phong tỏa, khu cách ly…; (ii) Thông tin đến F0 về kế hoạch tư vấn và chữa trị để người bệnh biết và an tâm thực hiện theo hướng dẫn; (iii) Cập nhật tình hình F0. Mục tiêu quan trọng nhất của nhóm này là nắm bắt thông tin F0 kịp thời, trấn an để họ an tâm, chuyển thông tin nhanh chóng đến nhóm sàng lọc và chăm sóc y tế.

Trụ cột thứ hai là nhóm sàng lọc, chăm sóc y tế cơ sở (nhóm 2), gồm các trạm y tế phường/xã, các bác sĩ gia đình, phòng khám tư nhân phối hợp với các đơn vị tình nguyện viên, hội chữ thập đỏ phường… Nhiệm vụ của nhóm này gồm: (i) Tiếp cận F0 để trấn an tinh thần, nắm bắt tình hình BN; (ii) Sàng lọc và phân loại nguy cơ với các F0, từ đó quyết định tư vấn, chăm sóc, điều trị và theo dõi F0 tại nhà hoặc chuyển đến trung tâm y tế/bệnh viện (BV) phù hợp; và (iii) Hỗ trợ thiết bị theo dõi sức khỏe tại nhà; sơ cấp cứu tại nhà; đưa BN trở nặng đi cấp cứu…

Trên thực tế, đa số F0 đều không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ nên nếu nhóm 2 làm hiệu quả thì sẽ giảm áp lực đáng kể cho tuyến trên. Nhóm này có thể áp dụng công nghệ cơ bản (các nền tảng trực tuyến như Viber, Zalo…) để tìm hiểu tình hình F0 qua cuộc gọi video, đồng thời có đội ngũ “phản ứng nhanh” để sẵn sàng đến nhà BN hỗ trợ kịp thời. Một số bác sĩ tham gia hỗ trợ F0 tại nhà ở TP.HCM chia sẻ: “Người dân khi nghe bác sĩ gọi, nhất là các bác sĩ ở phường mà họ cư trú, để được tư vấn thì rất phấn khởi và an tâm, không phải gọi khắp nơi cầu cứu”.

Trụ cột thứ ba là nhóm cấp cứu (nhóm 3), tiếp nhận thông tin và F0 từ nhóm 2. Nhóm này tận dụng các BV, cơ sở y tế của quận hoặc tương đương để xử lý F0 cấp cứu (từ nhóm 2), khám và phân nhóm nguy cơ để điều trị các F0 có triệu chứng nhẹ, hoặc sơ cấp cứu và chuyển viện an toàn, phù hợp với các F0 có triệu chứng nặng hơn. Tuyến này bắt buộc phải có mặt bác sĩ đủ năng lực và thẩm quyền chẩn đoán về hô hấp, ngoài ra có các y bác sĩ, điều dưỡng có thể vận hành máy móc y tế (như máy thở ôxy) nhằm cấp cứu cho BN. Nếu nhóm này làm tốt, vừa có thể giảm áp lực cho tuyến trên, vừa có thể dự báo về số ca có thể chuyển nặng để tuyến trên có kế hoạch điều phối giường bệnh và trang thiết bị chữa trị.

Trụ cột cuối cùng là nhóm chăm sóc chuyên sâu (nhóm 4). Đây là nhóm thiểu số của F0 nhưng đóng vai trò giành giật lại mạng sống cho BN nguy hiểm. Nhóm này gồm các BV có điều kiện điều trị F0 ở tầng 3, 4, 5 trong tháp năm tầng, tức là các F0 có triệu chứng mức độ trung bình và nặng, F0 có bệnh nền hoặc F0 rất nặng. Đó có thể là các BV chuyên điều trị COVID-19 hoặc các cơ sở cấp cứu - hồi sức, thậm chí các BV tuyến quận nếu đảm bảo yêu cầu bác sĩ, hạ tầng y tế.

Bài học từ các quốc gia đi trước

Mô hình chăm sóc BN tại nhà ở Trung Quốc rất được quan tâm, với tiêu chí lấy BN làm trung tâm nhờ công nghệ thông tin. Họ tiến hành: Tích hợp bệnh án điện tử; thiết bị đo (như huyết áp…) cá nhân kết nối dữ liệu với bác sĩ; sử dụng điện thoại và ứng dụng di động vào khám, tư vấn… Các bác sĩ địa phương theo dõi và đánh giá sức khỏe F0, gửi lời nhắc, thông tin tư vấn, xếp BN vào nhóm ưu tiên khám bệnh và giới thiệu cơ sở chuyên khoa (nếu cần).

Tương tự, ở Singapore, Canada, nhiều quốc gia châu Âu, hệ thống dữ liệu của BN là rất quan trọng để phát triển các ứng dụng hồ sơ bệnh án điện tử. Đó là nền tảng để các nước thiết lập mối quan hệ giữa bác sĩ với các nhóm BN (một bác sĩ địa phương có thể hỗ trợ cho hàng chục BN qua các nền tảng liên lạc chung như ứng dụng giao tiếp, mạng xã hội…). BN có thể ở nhà và làm theo hướng dẫn của các bác sĩ, được hỗ trợ cấp cứu kịp thời khi chuyển nặng.


GÓC NHÌN CHUYÊN GIA:

PGS-TS NGÔ QUỐC ĐẠT, Phó Trưởng Khoa y ĐH Y Dược TP.HCM:

Muốn chăm sóc F0 tốt thì phải tăng vai trò y tế cơ sở

Chúng ta đã không còn ở giai đoạn “đuổi bắt dịch” mà đã chuyển qua giai đoạn giảm thiểu người tử vong, dần tái thiết để thích ứng với SARS-CoV-2. Vậy nên hệ thống y tế cũng cần được điều chỉnh một cách phù hợp.

Hôm 11-8, trong cuộc họp của Bộ Y tế với một số tỉnh phía Nam, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn chỉ đạo phải thực hiện chiến lược phân tầng đúng theo tình trạng BN. Tránh để BN chuyển tuyến không phù hợp. Nếu chuyển sớm quá sẽ gây quá tải cho tuyến trên nhưng muộn quá lại làm tăng nguy cơ nguy hiểm, thậm chí tử vong của người bệnh.

Là người tham gia công tác cứu chữa cho người bệnh, nhất là tại các cơ sở địa phương (cấp phường/xã, quận/huyện), tôi rất chia sẻ những lưu ý của ông Thuấn. TP.HCM đang trong giai đoạn bảo vệ mục tiêu cốt lõi là “cứu người” chứ không còn như trước - tập trung vào truy vết, cách ly các ca F0, F1. Toàn bộ hệ thống y tế từ trung ương đến địa phương, từ TP đến các quận/huyện, phường/xã cùng rất đông tình nguyện viên là sinh viên, các cán bộ y tế về hưu… đều được huy động, dồn sức và tâm huyết chống dịch.

Thế nhưng số người tử vong vẫn tăng cao trong những ngày qua. Một phần phải thừa nhận rằng biến chủng Delta có tốc độ lây lan chóng mặt, trong bối cảnh vaccine khan hiếm, đã khiến số ca trở nặng tăng mạnh. Mặt khác, tôi rất băn khoăn khi dường như chúng ta đang dàn trải lực lượng quá nhiều.

Thứ nhất, phải khẳng định mô hình BV dã chiến (thu dung) là rất cần thiết cho giai đoạn trước đây. Đó là khi chúng ta tập trung truy vết, cách ly để cắt đứt nguồn lây ra khỏi cộng đồng. Rất nhiều BV dã chiến được xây dựng thần tốc và đã trở thành một trụ cột trong chống dịch trước đây. Tuy nhiên, khi chuyển qua giai đoạn kiềm chế ca nặng và tử vong, chúng ta cần phải đánh giá lại hiệu quả của BV dã chiến để kịp
thời điều chỉnh.

Với các BV chỉ đóng vai trò theo dõi BN không có dấu hiệu hoặc nhẹ thì nay TP đã có chính sách cho F0 cách ly tại nhà. Trong tương lai, tôi tin rằng BN F0 sẽ được sàng lọc tốt nhất có thể để đi theo từng tầng điều trị, ví dụ (a)
ở nhà; (b) đến y tế phường/xã; (c) đến y tế quận/huyện; (d) đến y tế tỉnh, TP… Khi phần rất lớn F0 đều không có triệu chứng hoặc nhẹ, có thể hình dung việc theo dõi, điều trị tại nhà và tại hệ thống y tế cơ sở sẽ là chủ đạo. Vậy nên nguồn lực y bác sĩ, điều dưỡng, y tá, tình nguyện viên thông tin, cấp cứu, thuốc men, tài chính... cũng cần được tăng cường cho hệ thống y tế cơ sở.

Thứ hai, cần nhận thức rằng về lâu dài, y tế cơ sở mới chính là trụ cột để người dân thích ứng với SARS-CoV-2. Tuy độc lực của virus thể Delta được nhiều chuyên gia đánh giá là không mạnh như Alpha nhưng lây lan nhanh và chuyển biến bệnh rất nhanh. Hãy hình dung khi có một người nghi nhiễm, nếu ngay tại phường/xã, quận/huyện của họ không làm tốt công tác sàng lọc thì hoặc là (i) F0 được chuyển hết lên tuyến trên gây quá tải; hoặc là (ii) F0 trở nặng không được cấp cứu kịp thời. Đó là chưa kể khi mắc bệnh, nếu không được tư vấn kịp thời, F0 dễ hoảng loạn, chạy đi khắp nơi để tìm cách chữa trị sẽ không an toàn cho BN và tăng nguy cơ lây nhiễm cho người khác. Nếu các cơ sở y tế phường/xã, quận/huyện kết nối kịp thời thì người dân an tâm tự điều trị tại nhà, hoặc đến các cơ sở y tế “đúng nơi, đúng thời điểm” nhằm giảm thiểu rủi ro.

Cuối cùng, xây dựng hệ thống y tế cơ sở tốt, như đã nói, cần nhiều nguồn lực. Chính phủ và TP.HCM phải huy động công - tư, vừa có y tế nhà nước vừa có các đơn vị tư nhân và các đoàn thể xã hội thì mới có thể hoạt động bền vững. ĐẠI THẮNG ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm