Dịch tả heo châu Phi áp sát TP.HCM, lại họp khẩn!

Theo ghi nhận của Pháp Luật TP.HCM, trước tình hình dịch tả heo châu Phi xuất hiện ở hai tỉnh Đồng Nai và Bình Phước, các quận, huyện TP.HCM thực hiện nhiều biện pháp ứng phó để ngăn chặn dịch bệnh thâm nhập.

Giảm đáng kể điểm mổ heo lậu

Ngày 4-5, UBND quận 12 thành lập đoàn kiểm tra chốt chặn tại cầu Phú Long (giáp với tỉnh Bình Dương) để kiểm soát hoạt động vận chuyển gia súc và sản phẩm từ gia súc.

Qua hơn một tuần chốt chặn, đoàn kiểm tra đã phát hiện và xử lý hơn 10 vụ vận chuyển heo, thịt heo và tịch thu trên 100 heo sống, hàng trăm ký thịt heo. Ngoài phạt vi phạm hành chính, đoàn kiểm tra còn tiêu hủy tang vật không nguồn gốc.

Trong khi đó, UBND huyện Hóc Môn giám sát chặt các cơ sở chăn nuôi heo trên địa bàn huyện.

Theo ông Đỗ Thanh Hòa, Phó Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn, trên địa bàn huyện hiện có trên 400 hộ nuôi heo với tổng cộng 21.000 con. “Cơ quan chức năng huyện hướng dẫn và giám sát các cơ sở nuôi heo thực hiện những biện pháp an toàn sinh học. Bên cạnh đó, định kỳ tổ chức vệ sinh, khử trùng, tiêu độc tại các khu vực chăn nuôi, kể cả các chợ, điểm buôn bán, giết mổ heo” - ông Hòa nói.

“Trước đây trên địa bàn quận Gò Vấp có khoảng 30 điểm giết mổ heo lậu. Hiện con số đó giảm còn 12 điểm” - bà Trần Thị Mai Lan, Trưởng phòng Kinh tế quận Gò Vấp, cho biết.

Theo bà Lan, để kéo giảm các điểm giết mổ heo lậu, UBND quận chỉ đạo các phường chốt chặn thường xuyên những điểm nói trên. “Không chỉ vậy, UBND quận còn tổ chức kiểm tra đột xuất và phạt phường nào không chốt chặn tại điểm mổ heo lậu. Trước tình trạng dịch tả heo châu Phi xuất hiện ở các tỉnh lân cận, UBND quận Gò Vấp quyết tâm dẹp các điểm mổ heo lậu còn lại” - bà Lan cho biết thêm.

“UBND các phường cũng thường xuyên kiểm tra những điểm kinh doanh thịt heo tại các chợ trên địa bàn và xử lý đúng quy định những sai phạm” - bà Lan chia sẻ.

Cơ quan chức năng quận Gò Vấp (TP.HCM) kiểm tra điểm kinh doanh thịt heo không nguồn gốc.  Ảnh: TRẦN NGỌC

Lơ là chống dịch… sẽ không còn heo ăn

“Dịch tả heo châu Phi hiện đã xảy ra tại 29 tỉnh, thành trên cả nước với số heo tiêu hủy trên 1.220.400 con. Nếu phòng, chống không hiệu quả, dịch bệnh sẽ bùng phát và lây lan các địa phương khác”.

Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, đưa ra lời cảnh báo trên tại hội nghị trực tuyến “Đánh giá tình hình và triển khai các giải pháp phòng, chống bệnh dịch tả heo châu Phi” tổ chức sáng 13-5.

Theo ông Tiến, hiện công tác phòng, chống dịch tả heo châu Phi ở nhiều địa phương còn bất cập. “Điển hình là một số tỉnh chưa chủ động giám sát, chưa nắm bắt kịp thời thông tin dịch bệnh. Thậm chí chậm thông báo, báo cáo thiếu chính xác. Chưa hết, chính quyền và cơ quan chuyên môn còn lơ là, không nắm rõ thông tin dịch bệnh, chưa tổ chức chống dịch. Điều này dẫn đến tình trạng dân bán chạy heo bệnh làm lây lan dịch” - ông Tiến dẫn chứng.

“Theo quy định, heo chết do bệnh dịch tả phải tiêu hủy trong vòng 24 giờ. Tuy nhiên, không ít trường hợp do không bố trí kịp lực lượng tiêu hủy nên người chăn nuôi vứt xác heo ra vườn, sông, suối, ao. Đây chính là nguyên nhân lây lan và bùng phát dịch bệnh” - ông Tiến nói thêm.

Hiện vẫn còn không ít địa phương xem nhẹ công tác phòng, chống bệnh dịch tả heo châu Phi. Một khi địa phương nào bị báo chí thông tin lơ là công tác phòng, chống dịch bệnh thì cơ quan chức năng nhanh chóng tổ chức kiểm tra.

Ông TRỊNH ĐÌNH DŨNGPhó Thủ tướng Chính phủ 

Ông Tiến còn cho biết công tác giết mổ và tiêu thụ thịt heo vẫn còn bất cập. “Hiện cả nước có gần 390 cơ sở giết mổ tập trung. Trong khi cơ sở giết mổ nhỏ lẻ lên tới con số 27.000. Do vậy hoạt động kiểm soát giết mổ tại các cơ sở nhỏ lẻ gặp nhiều khó khăn. Đây cũng là nguyên nhân lây lan dịch bệnh” - ông Tiến nhận định.

Thêm nữa, vệ sinh, sát trùng, tiêu độc là khâu rất quan trọng để ngăn chặn bệnh dịch tả heo châu Phi, thế nhưng vẫn còn không ít địa phương tổ chức chưa hiệu quả công tác này. “Nhiều tỉnh chỉ phát hóa chất cho các hộ chăn nuôi nhưng không cấp bình phun thuốc. Do vậy, không ít hộ chăn nuôi dùng… bình tưới cây để tiêu độc, khử trùng nên không mang lại hiệu quả” - ông Tiến nói.

Ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT kiêm Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống bệnh dịch tả heo châu Phi, đúc kết: “Việt Nam đang đối mặt với loại bệnh nguy hiểm trên heo, đó là dịch tả heo châu Phi. Bệnh này hiện chưa có vaccine phòng ngừa, lại có thể gây chết 100% số heo mắc bệnh và lây lan nhanh. Do vậy, cần một sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của tất cả ban, ngành, địa phương để ngăn chặn dịch bệnh”.

Phát hiện thêm 2 ổ dịch tả heo châu Phi tại Yên Bái

Tỉnh Yên Bái vừa phát sinh thêm hai ổ dịch tả heo châu Phi tại hai gia đình ở thôn Liên Hiệp, xã Minh Quân, huyện Trấn Yên và tổ 6, phường Tân An, thị xã Nghĩa Lộ với 54 con heo nhiễm bệnh.

Cả hai gia đình đã báo lên chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn của tỉnh Yên Bái tiến hành lấy mẫu gửi đi xét nghiệm. Đối với số heo đã bị chết, chính quyền xã Minh Quân đã tiêu hủy 19 con, thị xã Nghĩa Lộ cũng đã tiêu hủy bảy con.

Ngay sau khi có kết quả dương tính với dịch, cơ quan chức năng tỉnh Yên Bái đã chỉ đạo chính quyền địa phương tổ chức các thủ tục để tiến hành tiêu hủy toàn bộ heo bị nhiễm bệnh còn lại trong chiều 13-5, đồng thời khoanh vùng ổ dịch, lập các chốt kiểm soát, hạn chế người và các phương tiện ra vào vùng ổ dịch.

Như vậy, đến ngày 13-5, trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã xuất hiện bốn ổ dịch tả heo châu Phi tại các huyện Văn Chấn, Trấn Yên và thị xã Nghĩa Lộ. 

TN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm