Theo phân tích của PGS-TS-BS Lê Thị Anh Thư, Chủ tịch Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn TP.HCM, virus Corona thực sự không đáng lo sợ so với những dịch bệnh từng bùng phát trước đây.
Theo bà Thư, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chính thức công bố tình hình nhiễm nCoV đang ở tình trạng đáp ứng khẩn cấp toàn cầu. Tuy nhiên, ông Tedros Adhanom Ghebreyeus, Tổng Giám đốc WHO, cũng nói đây không phải thời điểm để lo sợ, đồn đại, gây hoang mang. Đây chính là thời gian để nhìn lại những dữ kiện một cách khoa học nhằm bình tĩnh hơn khi đối diện với dịch bệnh.
Đeo khẩu trang đúng cách, thường xuyên rửa tay là biện pháp phòng ngừa virus Corona (nCoV). Ảnh: TRẦN NGỌC
“Điểm lại những vụ dịch do virus Corona trước đây chúng ta sẽ thấy nCoV có tỉ lệ tử vong thấp hơn so với SARS-CoV và MERS-CoV.
Thống kê ghi nhận tỉ lệ tử vong của MERS-CoV là 34,4%, tỉ lệ tử vong do SARS trong vụ dịch 2003 theo WHO ước tính là từ 10,8%. Trong khi đó, tỉ lệ tử vong do nCoV đến ngày 1-2 là 2,17 %” - bà Thư nói.
Mức độ lây lan của nCoV nhanh hơn SARS và MERS-CoV. Trong vòng hai tháng, số người nhiễm bệnh là 11.948, vượt quá số người nhiễm SARS trong chín tháng.
Tuy nhiên, điểm khác biệt là sự lây lan gần như khu trú tại Trung Quốc. Cho đến thời điểm hiện tại, 98,8% trường hợp nhiễm nCoV là ở Trung Quốc. Chỉ khoảng 1,2% trường hợp nhiễm nCoV ở các nước khác.
“Trong đại dịch SARS, số trường hợp nhiễm ở các nước lên đến 36,7%. Trường hợp đầu tiên dẫn đến chùm ca bệnh trong nhân viên y tế từ 10% đến 60% tùy theo mỗi quốc gia, riêng Viêt Nam là 18%.
Còn trong dịch bệnh do nCoV lần này, cho đến thời điểm hiện tại, các trường hợp bệnh đầu tiên gần như chưa gây ra một chùm ca bệnh trong nhân viên y tế. Các trường hợp lây lan tại Trung Quốc cho thấy chủ yếu theo hộ gia đình trong cộng đồng” - bà Thư phân tích.
Phòng ngừa và cảnh giác với dịch nCoV là cần thiết. Tuy nhiên, không nên quá sợ hãi và hãy áp dụng đúng các biện pháp phòng ngừa. Một thực tế cho thấy dù truyền thông đã hướng dẫn rất rõ nhiều biện pháp ngăn ngừa nhiễm bệnh nhưng nhiều người thực hiện chưa đúng.
Bà Thư khuyến cáo virus nCoV lây truyền chủ yếu qua đường tiếp xúc và giọt bắn. Lây qua đường tiếp xúc nghĩa là virus này có thể lây qua tay hoặc các bộ phận cơ thể qua tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với chất tiết người bệnh. Lây qua đường giọt bắn nghĩa là virus được bắn ra ngoài người bệnh ho, hắt hơi, sổ mũi và đi vào người đang đứng gần, thường trong khoảng dưới 1 m.
Do đó, việc áp dụng các biện pháp phòng ngừa phải thực hiện đồng bộ, bao gồm các biện pháp thông khí, làm sạch môi trường và phòng hộ cá nhân.
"Khi nói đến phòng hộ cá nhân, nhiều người chỉ tập trung vào việc lạm dụng khẩu trang mà quên đi các biện pháp phòng ngừa khác. Gần như mọi người bây giờ đều giữ sẵn khẩu trang trong mình nhưng rất ít người bỏ túi chai nước rửa tay trong khi rửa tay là biện pháp hiệu quả nhất trong phòng các bệnh đường hô hấp. Các dịch cúm trước đây chứng minh rửa tay có hiệu quả hơn khẩu trang trong phòng ngừa” - bà Thư nói thêm.
“Hơn bao giờ hết, chúng ta cần tìm hiểu rõ hơn về tình hình nhiễm nCoV, về đường lây truyền và cách phòng ngừa để áp dụng các biện pháp phòng ngừa đúng đắn hơn để ứng phó hiệu quả nhất với dịch bệnh” - bà Thư chia sẻ.
Dưới đây là những điều cần nhớ:
- Nhận biết, cách ly sớm người về từ vùng dịch, người có yếu tố dịch tễ.
- Tăng cường không khí môi trường xung quanh. Mở toàn bộ cửa sổ ra khi có thể, ngay cả trong bệnh viện, trong phòng hồi sức mà chưa có hệ thống thông khí chủ động.
- Chỉ mang khẩu trang y tế khi cần thiết như đang bị ho, hắt hơi, sổ mũi, khi cần phải tiếp xúc với nhiều người trong phạm vi gần, khi đi vào chỗ đông người.
Khẩu trang có hiệu lực lọc cao như N95 chỉ mang trong các cơ sở y tế, khi tiếp xúc với người bệnh có làm thủ thuật xông khí dung, thở máy, hút đàm, nội soi...