“Hiện tại, số người mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus Corona (nCoV) tăng nhanh. Thế giới ba lần thay đổi mức cảnh báo từ khu vực lên tầm quốc gia và hiện nay là tầm quốc tế. Điều này cho thấy mức độ lây lan dịch Corona rất nghiêm trọng”.
Thông tin trên được TS-BS Lê Quốc Hùng, Trưởng Khoa bệnh nhiệt đới BV Chợ Rẫy, chia sẻ tại buổi giao lưu trực tuyến “Hiểu đúng và đối phó dịch Corona” do Pháp Luật TP.HCM tổ chức sáng 5-2.
Đồng hành cùng chương trình là nhãn hàng tăng sức đề kháng trẻ em Immukid Plus và Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam (VWS).
Nên chích ngừa cúm
TS-BS Hùng cho biết ngoài Corona, môi trường ở Việt Nam vẫn tồn tại các loại virus cúm khác như H1N1… Do vậy, có người thắc mắc liệu tiêm vaccine cúm có thể ngừa được Corona.
“Mỗi loại vaccine sẽ phù hợp cho một loại virus, tác nhân chuyên biệt. Hiện tại, vaccine ngừa Corona đang được nghiên cứu. Do vậy, tiêm vaccine ngừa cúm chắc chắn không phòng được Corona. Tuy nhiên, mắc các loại cúm khác có thể làm cơ thể suy yếu và dễ bị virus Corona tấn công. Do vậy, rất tốt nếu người dân chích ngừa cúm” - TS-BS Hùng nói.
Đồng quan điểm trên, BS Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa nhiễm-thần kinh BV Nhi đồng 1, cho biết thêm người dân rất quan tâm đến việc chích ngừa cúm (đặc biệt người có bệnh mạn tính) khi nghe thông tin dịch Corona xuất hiện. Một điều đáng lưu ý chích ngừa cúm thì nguy cơ bị sốt do cúm sẽ ít hơn và phòng ngừa được khả năng bị bội nhiễm, điều trị khó khăn hơn. Do đó nên chích ngừa cúm cho dù có hay không Corona.
“Tuy nhiên, điều quan trọng là vẫn phải rửa tay, mang khẩu trang và tuân thủ các biện pháp phòng ngừa dịch Corona” - BS Khanh nhấn mạnh.
Toàn cảnh buổi giao lưu trực tuyến “Hiểu đúng và đối phó dịch Corona”do báo Pháp Luật TP.HCM tổ chức sáng 5-2. Ảnh: HOÀNG GIANG
Mang khẩu trang loại nào cũng được
Sử dụng khẩu trang loại nào để phòng Corona cũng là vấn đề nhiều bạn đọc quan tâm.
TS-BS Lê Quốc Hùng cho biết Corona lây từ người qua người do virus có trong nước bọt. Khi ho hoặc nói chuyện lớn, nước bọt từ người bệnh văng trúng và thâm nhập vào cơ thể người bình thường rồi gây bệnh. Do vậy, để phòng ngừa lây bệnh nên đeo khẩu trang.
“Người bệnh Corona đeo khẩu trang khi ho nước bọt không văng ra xa và người bình thường đeo khẩu trang sẽ cản trở được nước bọt thâm nhập vào cơ thể. Mục đích đeo khẩu trang là ngăn chặn nước bọt của người đứng đối diện. Vì vậy, bất cứ khẩu trang nào cũng có tác dụng như nhau, cũng đều sử dụng được. Khẩu trang vải cũng dùng được, không nhất thiết phải khẩu trang y tế, càng không bắt buộc khẩu trang N95…” - TS-BS Hùng cho biết thêm.
Theo TS-BS Hùng, rửa tay thường xuyên cũng là biện pháp ngăn ngừa Corona. Ngoài dung dịch sát trùng, có thể rửa tay với xà phòng và virus Corona sẽ bị tiêu diệt trong vòng 20 giây sau rửa tay.
Thực tế cho thấy dịch Corona đang gây ra nỗi hoang mang cho nhiều người. Điển hình một bạn đọc đặt câu hỏi: “Nhà tôi gần BV thì có cần đóng kín cửa phòng, cửa nhà không?”.
TS-BS Hùng cho rằng tất cả bệnh nhân khám bệnh hay cấp cứu đều được sàng lọc kỹ càng. BV sàng lọc từ đầu một khi xác định bệnh nhân có nguy cơ lây nhiễm. BV cũng sẽ cách ly tuyệt đối nếu nghi ngờ bệnh nhân nhiễm Corona trong khu vực đặc biệt, có trang bị phương tiện khử trùng, đảm bảo virus Corona không phát tán ra ngoài.
“Nhân viên y tế BV sinh hoạt bình thường thì không lý gì những người sống gần BV phải sợ. Một trong những phương pháp phòng ngừa là mở cửa cho thoáng để không khí vào nhà” - TS-BS Hùng nói.
Đã có những khuyến cáo về giữ vệ sinh trong sinh hoạt, đảm bảo an toàn thực phẩm, sử dụng thực phẩm nấu chín, chế độ ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý. Bác sĩ có thể cho thêm những khuyến cáo về giữ vệ sinh tránh lây nhiễm trong những bếp ăn tập thể, khu công nghiệp, trường học? Nguyễn Hưng, sinh viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM BS Trương Hữu Khanh trả lời: Bếp ăn công nghiệp hay tại các cơ quan, xí nghiệp, đã có hướng dẫn của cơ quan y tế dự phòng, đó là người chế biến phải mang khẩu trang, đeo găng tay và có khám sức khỏe định kỳ xác định không có bệnh lây nhiễm. Nguyên tắc thức ăn sống và chín phải để cách xa nhau, không để súc vật đi vào nơi chế biến thức ăn. Sau khi nấu xong, phải lưu mẫu thức ăn 48 tiếng, khi có sự việc, cơ quan chức năng sẽ lấy mẫu này đem đi phân tích. Nếu tuân thủ theo những hướng dẫn trên thì nguy cơ lây nhiễm bệnh từ bếp ăn sẽ rất thấp. |
Tăng sức đề kháng cho con
Nghi ngờ con bị lây nhiễm Corona do sốt khá cao và cách thức tăng sức đề kháng cho con để phòng ngừa Corona cũng là vấn đề được nhiều bậc phụ huynh quan tâm.
Liên quan đến vấn đề này, BS Khanh cho biết bệnh gì cũng có nguồn lây, đặc biệt là các bệnh truyền nhiễm. “Một khi con bạn không tiếp xúc với nguồn lây của virus Corona (đi về từ Trung Quốc, chơi với người bị bệnh hoặc nhiễm bệnh) thì hết sức bình tĩnh và chăm sóc con như trước đây vẫn làm. Một điều nên nhớ con nít bị bệnh vặt là chuyện bình thường” - BS Khanh chia sẻ.
Theo BS Khanh, Việt Nam từng xảy ra đợt dịch này đến đợt dịch khác nên trẻ cần được tăng cường sức đề kháng từ lâu, không phải chờ khi dịch Corona xảy ra mới lo chuyện này.
BS Khanh khuyên phụ huynh chú trọng chế độ dinh dưỡng, cho trẻ ăn nhiều trái cây tươi và rau, đồng thời cho uống nhiều nước và ngủ đủ. Con nít ham chơi, thường quên uống nước nên cha mẹ phải chú ý điều này, đặc biệt trong thời tiết nắng nóng. Bên cạnh đó, giữ ấm cho trẻ, không để đội nắng. Nhắc trẻ rửa tay thường xuyên, chủng ngừa đầy đủ vacine phòng ngừa thì sẽ giảm nguy cơ mắc bệnh.
“Corona không thể trên trời rớt xuống mà phải tiếp xúc với nguồn lây bệnh. Trẻ không tiếp xúc với nguồn lây Corona mà bị nóng, ho, sổ mũi thì nhỏ thuốc mũi, uống thuốc hạ sốt, uống nhiều nước, nghỉ ngơi. Hai, ba ngày không hết thì đi BV. Trước đây cha mẹ xử lý thế nào khi trẻ bị bệnh thì giờ làm giống vậy. Tôi sợ nhất con nít không bị Corona mà bị bệnh khác. Bởi lẽ lo sợ Corona, cha mẹ không dám đưa con đi BV vì sợ lây nhiễm cho dù con đang bệnh nặng. Đến khi có chuyện không hay xảy ra thì hối tiếc” - BS Khanh nói.
BS Khanh còn cho biết các loại vitamin A, C và D cũng có tác dụng tăng sức đề kháng. Vitamin A đã được uống định kỳ, giờ cho ăn thêm cà rốt, bí đỏ. Vitamin C có nhiều trong trái cây tươi, rau hoặc thuốc chứa vitamin C. Vitanim D thì phơi nắng hoặc uống viên chứa vitamin D. “Không cho trẻ uống vitamin C vào buổi tối vì gây mất ngủ. Cũng không cho trẻ uống vitamin C trước khi ăn vì trẻ sẽ đòi uống hoài do có vị ngọt nên sẽ bỏ ăn hoặc ăn ít” - BS Khanh nói thêm.
Cân nhắc khi đưa thông tin lên mạng xã hội Trong thời gian xảy ra dịch Corona, mạng xã hội xuất hiện nhiều thông tin sai sự thật, gây hoang mang dư luận. Thậm chí một số ca sĩ, diễn viên cũng bị Sở TT&TT TP.HCM mời làm việc vì đăng tải thông tin không đúng sự thật liên quan dịch Corona. Tổ chức, cá nhân đăng thông tin sai sự thật, xuyên tạc, không có nguồn gốc rõ ràng có thể bị xử phạt hành chính với số tiền lên tới 30 triệu đồng. Nếu đăng thông tin gây hoang mang cho xã hội hoặc gây khó cho cơ quan nhà nước trong vấn đề phòng, chống dịch… có thể bị xử lý hình sự, thậm chí bị phạt tù nếu đăng thông tin gây hoang mang, thiệt hại. Những thông tin chúng ta đăng trên mạng xã hội không phải xóa rồi là xong. Cơ quan chức năng hoàn toàn có thể thu thập chứng cứ và có cơ sở xử lý chúng ta. Vì vậy không nên đưa, share những thông tin không rõ nguồn, không ai kiểm chứng. Nếu không biết thì cũng không nên đưa tin vì việc này là nhiệm vụ của các cơ quan chức năng. Câu like, câu view để nổi tiếng, để trục lợi là điều rất đáng phê phán. Hãy hợp tác cùng cơ quan chức năng để cùng ngăn cản dịch bệnh này. Cưỡng chế điều trị nếu không chấp hành Theo quy định, bác sĩ khám chữa cho bệnh nhân mắc các bệnh truyền nhiễm không được công bố danh tính của bệnh nhân trừ khi có quyết định của cơ quan có thẩm quyền. Vì thế, tâm lý sợ lộ thông tin kèm tâm lý sợ đến BV xảy ra khá phổ biến. Tuy nhiên, một người bị bệnh mà cố tình giấu hoặc khai không đúng thời gian phát bệnh… thì hành vi này dù chưa tới mức xử lý hình sự nhưng có thể bị xử phạt hành chính tới 10 triệu đồng. Nếu người vi phạm cố tình không chấp hành lệnh của các cơ quan chuyên môn thì có thể bị cưỡng chế điều trị, cưỡng chế cách ly. Luật sư TRẦN MINH HÙNG, Đoàn Luật sư TP.HCM |