Nghề nuôi bệnh 'cứu' những gia đình neo đơn

Mô hình người nuôi bệnh theo yêu cầu đã “nâng cấp” dịch vụ người nuôi bệnh từ tự phát đi vào chuyên môn hóa, vừa giảm tải sự thiếu hụt điều dưỡng chăm sóc người bệnh trong các bệnh viện (BV), vừa đáp ứng nhu cầu tìm người chăm sóc tin cậy cho gia đình người bệnh.

“Được học, tôi vững vàng hơn”

Hơn 10 năm làm nghề nuôi bệnh thuê nhưng hơn một năm nay chị Nguyễn Thị Luyến (quê Tiền Giang) cảm thấy tự tin hơn khi mỗi lần nhận những ca bệnh, vì chị không còn là người nuôi bệnh tự phát tay ngang như trước. Giờ đây chị Luyến đã được BV Phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp (quận 8) đào tạo các kỹ năng chăm sóc người bệnh, có chứng chỉ hành nghề hẳn hoi.

Chị Luyến chia sẻ: “Ngày trước, tôi đi nuôi bệnh thuê, nuôi người nhà sao thì nuôi người ta vậy, nghĩ tận tâm là đủ nhưng có nhiều trường hợp mình không biết cách chăm sóc nên người ta lâu hết bệnh. Nhiều lần bệnh trở nặng đột ngột, mình luống cuống không biết làm gì. Giờ có học hành đàng hoàng tôi vững vàng, biết cách xử lý trong những ca bệnh khác nhau.

Chị Luyến chia sẻ thêm, làm việc trong một mô hình chuyên môn, không phải cảnh cò mồi, tự phát như trước đây, chị còn được dạy về những kỹ năng giao tiếp với người bệnh, người nhà bệnh nhân nên cũng không còn xảy ra cãi vã. Vì vậy chị Luyến càng yêu thích công việc hơn, thu nhập cũng ổn định hơn.

Suốt ba tháng mẹ anh Trần Văn Tân (quận 5, TP.HCM) điều trị tại BV Phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp (quận 8) là đúng ba tháng anh Tân đành gửi mẹ mình lại BV cho người nuôi bệnh chăm sóc. Anh cho biết dù không máu mủ nhưng người nuôi bệnh do anh thuê lại chăm sóc mẹ anh rất tận tâm. Đặc biệt, anh càng an tâm hơn khi họ được BV đào tạo kỹ càng và có công ty quản lý nên lý lịch cũng rõ ràng hơn.

“Trước thuê người không có kỹ năng chăm sóc mình cũng sợ nhưng gia đình neo đơn thì buộc tôi phải thuê. Giờ có dịch vụ này, mình an tâm hơn” - anh Tân bày tỏ.

Chị Luyến tự tin hơn khi được đào tạo bài bản. Ảnh: TRÚC PHƯƠNG

Từ tự phát đến chuyên môn hóa

Trao đổi về mô hình trên, BS Nguyễn Hoài Nam, Giám đốc BV Phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp (quận 8), cho biết: Từ năm 2008, BV đã được Sở LĐ-TB&XH cấp phép mở lớp học “Chăm sóc tại gia” nhằm đào tạo nguồn nhân lực người nuôi bệnh có tay nghề cho các gia đình bệnh nhân. Đến năm 2018, BV đã mạnh dạn hợp tác cùng Công ty Cổ phần We Care 24/7 phát triển mô hình người nuôi bệnh theo yêu cầu.

Việc hợp tác giữa BV và Công ty Cổ phần We Care 24/7 cho loại hình dịch vụ mới này xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của BV khi rất nhiều gia đình neo đơn phải chạy vạy khắp nơi để tìm người chăm sóc cho người thân đang điều trị tại BV. Nguồn nhân lực do BV cung cấp chưa đủ để đáp ứng nhu cầu quá lớn từ gia đình người bệnh. Dẫn đến nhiều gia đình lựa chọn người nuôi bệnh tự phát, không am hiểu các kỹ năng chăm sóc nên dễ gây ra các biến chứng cho người bệnh.

Theo BS Nam, với mô hình người nuôi bệnh theo yêu cầu, người nuôi bệnh phải được BV đào tạo khóa học về các kỹ năng chăm sóc người bệnh cơ bản như bắt mạch, đo huyết áp, xoa bóp, vệ sinh cá nhân, tắm, gội đầu, phòng ngừa loét tì đè, di chuyển thay đổi tư thế người bệnh, đưa người bệnh đi dạo, chăm sóc bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng cho người bệnh, thậm chí còn phải biết xử lý khi người bệnh sốt cao, co giật... Sau khóa học, người nuôi bệnh phải trải qua kỳ thi kiểm tra, người vượt qua kỳ thi sẽ được BV cấp giấy chứng nhận đào tạo, đủ điều kiện hành nghề nuôi bệnh.

Về mô hình này, bà Đặng Ngọc Anh Thư, Giám đốc dự án Công ty Cổ phần We Care 24/7, cho biết: “Người nuôi bệnh khi được công ty tuyển vào làm việc phải có lý lịch rõ ràng, không có tiền án, tiền sự. Tùy theo ca bệnh nặng nhẹ, người nuôi bệnh sẽ được chi trả từ 350.000 đồng/ca/ngày trở lên. Công ty thu 15% phí đào tạo, quản lý trong khoản tiền lương người nuôi bệnh. Khi đến các BV làm việc, bên cạnh sự giám sát từ phía điều dưỡng BV, công ty còn cử nhân viên thường xuyên đến kiểm tra, đánh giá thái độ làm việc của người nuôi bệnh”.

Khi hành nghề tại BV, người nuôi bệnh được cấp thẻ đeo, công ty quản lý người nuôi bệnh phải thực hiện việc đăng ký các thông tin về người nuôi đến BV.

Người nuôi bệnh làm việc dựa trên các kỹ năng được đào tạo và tuân thủ các chỉ dẫn của bác sĩ, điều dưỡng trưởng nên không gây ra các biến chứng cho bệnh nhân. Hiện có 64 người nuôi bệnh theo yêu cầu đến làm việc tại BV.

BS NGUYỄN HOÀI NAM 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm