Nhận biết và đối phó rối loạn thần kinh thực vật

Dấu hiệu điển hình khi bị rối loạn thần kinh thực vật

Hệ thần kinh thực vật của con người gồm hệ thần kinh giao cảm và hệ thần kinh phó giao cảm. Hai hệ này bình thường sẽ có mối quan hệ tương hỗ lẫn nhau. Rối loạn thần kinh thực vật là sự mất cân bằng giữa 2 hệ thống thần kinh giao cảm và phó giao cảm.

Khi bị rối loạn thần kinh thực vật, người bệnh sẽ có những triệu chứng dưới đây:

Đánh trống ngực, hồi hộp: Đây được coi là biểu hiện dễ nhận biết và thường gặp nhất. Nhịp tim sẽ được điều tiết bởi thần kinh tim trực thuộc hệ thần kinh thực vật (không nằm trong tim) và hệ thống điện tim (bao gồm nút xoang và hệ thống dẫn truyền xung điện). Khi thần kinh tim bị rối loạn tất nhiên sẽ gây ra ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình xung động, dẫn truyền tín hiệu điện trong tim và làm rối loạn nhịp tim.

Nhận biết và đối phó rối loạn thần kinh thực vật ảnh 1
Các dấu hiệu của rối loạn thần kinh thực vật.

Nếu bạn thấy nhịp tim của mình nhanh bất thường, cảm giác như tim sắp nhảy ra khỏi lồng ngực. Cảm giác luôn hồi hộp, tình trạng này xảy ra liên tục dễ khiến người bệnh cảm thấy hốt hoảng và sợ hãi.

Khó thở: Người bệnh sẽ cảm thấy khó thở, hụt hơi và phải rướn người ra để thở hoặc hít thở sâu mới cảm thấy dễ thở hơn. Tình trạng khó thở sẽ tăng mạnh khi ở nơi đông đúc, ồn ào.

Đau ngực: Đau, nóng và rát ở vùng ngực, thậm chí là đau nhói hoặc đau thắt ngực. Cơn đau thường sẽ xuất hiện bất ngờ khiến người bệnh cảm thấy như bị nghẹt thở căng tức vùng ngực.

Chóng mặtCảm giác choáng váng, đứng không vững hoặc như muốn ngất xỉu, cơ thể lả đi. Triệu chứng này do nhịp tim quá nhanh khiến cho thiếu máu lên não hoặc hạ huyết áp tư thế đột ngột.

Dễ bị ngất: Các triệu chứng ban đầu như tê cứng và ngứa ran ở vùng xung quanh miệng, sau đó người bệnh sẽ cảm thấy lo âu, hốt hoảng, thở gấp và dễ bị ngất. Cách xử lý đơn giản là bịt mũi lại và ngưng thở trong vài giây thì tình trạng này sẽ tự biến mất.

Tay chân run và đổ mồ hôi: Triệu chứng này sẽ xuất hiện khi người bệnh bị hốt hoảng và nhịp tim đập nhanh. Kèm theo đó là chân tay run, cơ thể đổ mồ hôi nhiều do hệ thần kinh thực vật bị kích thích quá mức.

Cơ thể mệt mỏi: Người bệnh luôn cảm thấy uể oải và thiếu sức sống. Tình trạng này thường sẽ kéo dài và khó hồi phục dù người bệnh đã được nghỉ ngơi.

Mất ngủ: Vì luôn ở tình trạng lo lắng, bồn chồn vô cớ dẫn đến việc trằn trọc, khó ngủ hoặc ngủ không sâu giấc.

Ngoài ra còn kèm theo một số triệu chứng như rối loạn kinh nguyệt, rụng tóc, da khô bong tróc, giảm ham muốn tình dục.

Ở giai đoạn đầu, người bệnh bị rối loạn thần kinh thực vật có thể chỉ cảm thấy bất an, khó chịu. Thế nhưng, khi bệnh ở giai đoạn nặng, bệnh nhân sẽ luôn trong tình trạng hoang mang, sợ hãi và dễ rơi vào tình trạng trầm cảm. Chính điều này khiến tình trạng rối loạn nhịp tim trầm trọng hơn.

Nguyên nhân gây rối loạn thần kinh thực vật

Có rất nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng rối loạn thần kinh thực vật, cụ thể như: Rối loạn di truyền; Do các bệnh tự miễn như hội chứng Sjogren và Lupus ban đỏ hệ thống...; Do cuộc tấn công hệ miễn dịch và thương tổn các bộ phận của cơ thể, dây thần kinh của một số bệnh ung thư; Do tổn thương dây thần kinh sau phẫu thuật vùng cổ, sau xạ trị... Biến chứng của bệnh đái tháo đường là nguyên nhân phổ biến nhất gây rối loạn thần kinh thực vật, lâu dần dẫn đến tổn thương dây thần kinh khắp cơ thể; Tác dụng phụ của một số loại thuốc điều trị ung thư, thuốc chống trầm cảm, một số thuốc điều trị tim mạch; Một số bệnh lý thoái hóa thần kinh như bệnh Parkinson; Những bệnh lý chấn thương hoặc tổn thương làm tổn hại hệ thần kinh thực vật như chấn thương sọ não, chấn thương tủy sống...

Điều trị bệnh thế nào?

Rối loạn thần kinh thực vật không phải là một loại bệnh cụ thể mà chỉ là những rối loạn hoạt động thần kinh tự động. Rối loạn thần kinh thực vật không gây tử vong, nhưng làm giảm hoạt động hoặc ảnh hưởng đến chức năng tự động của cơ thể như nhịp tim, huyết áp, mồ hôi, tiêu hóa,...

Hiện nay, việc điều trị rối loạn thần kinh thực vật chủ yếu là điều trị các nguyên nhân gây ra bệnh. Tuy nhiên, cho đến nay thì mới chỉ điều trị được các triệu chứng của bệnh.

Về thuốc tác dụng trên hệ thần kinh thực vật, các loại thuốc thường được dùng để điều trị rối loạn thần kinh thực vật gồm: Thuốc an thần, thuốc chống trầm cảm, thuốc chữa mất ngủ và các rối loạn lo âu, thuốc điều chỉnh động ruột, thuốc tim mạch, thuốc giảm tiết mồ hôi. Kết hợp các phương pháp vật lý trị liệu như xông hơi thuốc trên huyệt, xoa bóp, bấm huyệt cũng giúp cho việc điều trị bệnh nhanh khỏi hơn.

Lời khuyên của bác sĩ

Bệnh nhân không nên quá căng thẳng, cần biết cách thư giãn, kiểm soát căng thẳng và tâm trạng của bản thân. Sắp xếp lịch làm việc và nghỉ ngơi hợp lý. Tập hít thở sâu và xoa vùng trên rốn hàng ngày sẽ có tác dụng mạnh trong việc phòng và điều trị rối loạn thần kinh thực vật. Mỗi người cần có suy nghĩ tích cực, duy trì thể dục và có lối sống lành mạnh. Không lạm dụng các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá...

Nếu nghi ngờ mình bị rối loạn thần kinh thực vật, cần đi gặp bác sĩ để được thăm khám, tư vấn và có phác đồ điều trị kịp thời, người bệnh không nên tự ý sử dụng các loại thuốc điều trị khi chưa có chỉ định của bác sĩ.

Theo BS. Đặng Hùng (Suckhoedoisong)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm