Do cha mẹ đi làm công nhân cả ngày trong khu công nghiệp nên bé trai (sáu tuổi, ngụ Bình Dương) thường ở nhà với ông bà ngoại. Ông bà đã lớn tuổi, ngại quản sự hiếu động của cháu, thấy cho coi tivi hoặc chơi điện thoại thì cháu xem chăm chú, xao nhãng chuyện nghịch phá nên rất yên tâm. Từ đó, kể cả giờ nghỉ trưa, nếu cháu đòi xem tivi hay điện thoại, ông bà đều chiều.
Bỗng dưng trẻ nheo mắt, giật miệng
Chừng nửa tháng nay, cha mẹ bé về nhà thấy con trai bỗng dưng có biểu hiện hay nheo mắt, giật giật miệng. Lo sợ con có vấn đề về thần kinh hoặc gặp rối loạn ở mắt nên họ đã đưa con đến khám ở BV Nhi đồng 1 (TP.HCM).
Tại đây, sau khi loại trừ các bệnh liệt mặt, méo mặt, viêm kết mạc mắt và các rối loạn thần kinh khác, bé được chẩn đoán mắc rối loạn tic, một dạng rối loạn vận động hoặc âm thanh, lặp đi lặp lại nhiều lần. Bé được bác sĩ (BS) cho uống thuốc và hẹn tái khám, đồng thời khuyên cha mẹ nên ngưng cho con chơi điện thoại, xem tivi, dành nhiều thời gian tương tác với con như cùng chơi các trò chơi, đạp xe, bơi lội…
Một trường hợp khác là bé trai (12 tuổi, ngụ TP.HCM) mặc dù được cha mẹ đưa rước đi học hằng ngày nhưng vẫn lén trốn đi chơi game. Hai tháng trước, cậu bé xuất hiện biểu hiện nheo mắt với cường độ ngày càng dày nên được mẹ đưa tới gặp BS chuyên khoa mắt. Thấy cậu không cận thị, không viêm kết mạc…, BS khuyên bà mẹ đưa con đi khám khoa thần kinh.
Tại BV Nhi đồng 1, các BS nhận thấy ngoài nheo mắt, cậu bé còn có thêm biểu hiện giật ở cơ dưới cổ và cơ bụng. Sau khi được cho uống thuốc và hẹn tái khám, BS khuyên cậu cần từ bỏ game.
Bác sĩ khoa Nhiễm-Thần kinh BV Nhi đồng 1 (TP.HCM) đang khám thần kinh cho trẻ. Ảnh: HL
Trẻ rối loạn Tic khá phổ biến
Theo ThS-BS Nguyễn Thị Thùy Vân, khoa Nhiễm-Thần kinh BV Nhi đồng 1 (TP.HCM), mỗi ngày khoa tiếp nhận 8-10 ca bị rối loạn tic trong số 60-70 ca đến khám rối loạn thần kinh, độ tuổi từ hai đến 16. Thông thường khi cha mẹ nghe con bị rối loạn tic thì rất bất ngờ vì chưa từng nghe qua. Bệnh này không nguy hiểm nhưng gây mất thẩm mỹ cho trẻ khiến cha mẹ rất stress. Trẻ mắc rối loạn tic thường do cha mẹ quá bận bịu, giao con cho ông bà giữ hoặc cho con xem tivi, Internet, chơi game, chơi iPad... quá nhiều.
Rối loạn Tic (Tic disoder) là cử động bất thường của các cơ, lặp đi lặp lại không kiểm soát được. Nếu xảy ra ở các cơ vận động thì được gọi là "Tic vận động", xảy ra ở các cơ hô hấp thì gọi là “tic âm thanh". |
Các biểu hiện của bệnh rối loạn tic là trẻ thường nheo mắt, nháy mũi, nháy miệng, khi la thì trẻ dừng nhưng sau đó lại lặp đi lặp lại. Một số trẻ gặp rối loạn tic phức tạp hơn như giật ở dưới bụng, rối loạn âm thanh như có thể phát ra tiếng kêu “ót ót” ở cổ họng như con gà nuốt sợi dây thun, số khác giật bụng, tay chân. Khi làm xét nghiệm khác trẻ đều bình thường, chụp cộng hưởng từ MRI não không có tổn thương thực thể trên não, đo điện não không có bệnh lý, không có bất thường về tai mũi họng, mắt.
Cũng theo BS Vân, chưa có nghiên cứu cho thấy trẻ lạm dụng công nghệ là nguyên nhân dẫn đến rối loạn tic vì khi công nghệ chưa phát triển, bệnh này đã được lịch sử y khoa ghi nhận. Tuy nhiên, khi được khuyên từ bỏ thiết bị công nghệ, những trẻ mắc bệnh lại cải thiện tình trạng rất tốt. Trẻ bệnh nhẹ có thể được điều trị bằng thuốc bổ và làm biện pháp tâm lý, đa phần chỉ cần theo dõi ngoại trú và tái khám định kỳ. Trẻ bị nặng phải dùng thuốc đặc trị nhưng giai đoạn này thường rất khó chữa, cha mẹ phải kiên trì phối hợp cùng BS.
Cá biệt, cách đây hai năm có trường hợp quá nặng đã phải nhập viện điều trị hơn hai tuần. Đó là trường hợp một bé trai (13 tuổi), khi tới bệnh viện đã ở trong tình trạng giật liên tục mặt, uốn người, uốn cổ, phát ra âm thanh ở cổ họng... Mặc dù các kết quả xét nghiệm bình thường nhưng BS vẫn cho trẻ nhập viện điều trị để phòng ngừa các biến chứng thần kinh. “Cha mẹ nên để ý các dấu hiệu bệnh tic như ở trên để đưa con đi khám kịp thời. Không nên cho con trẻ lạm dụng công nghệ, tăng cường thời gian gần gũi, chơi trò chơi vận động với con như bơi lội, chơi cờ, đạp xe đạp...” - BS Vân khuyến cáo.
Chăm sóc tâm lý cho trẻ bị rối loạn Tic - Giải thích cho trẻ đầy đủ về vấn đề của trẻ, cố gắng thuyết phục trẻ tham gia vào việc giải quyết vấn đề đó. - Hạn chế các yếu tố tâm lý gây căng thẳng, lo lắng cho trẻ như học tập. Nghỉ ngơi hợp lý, tạo môi trường sinh hoạt lành mạnh, vui vẻ. - Tránh la mắng, ép trẻ làm theo mệnh lệnh cứng nhắc. Nên chú ý lắng nghe trẻ, sẵn sàng chia sẻ những khó khăn trẻ gặp phải. - Động viên trẻ, tạo niềm tin và sự yên tâm cho trẻ. - Tuân thủ chỉ định điều trị của bác sĩ, hợp tác với bác sĩ trong quá trình điều trị cho trẻ. (Nguồn: Khoa Thần kinh, BV Nhi đồng 2, TP.HCM) |