Trong tất cả chương trình học bổng từ bậc đại học đến cao học, các ứng viên đều phải cung cấp ít nhất hai thư giới thiệu để chứng minh bản thân một cách toàn diện nhất: từ năng lực, thái độ làm việc, tinh thần cầu tiến đến tính kỷ luật, khả năng giao tiếp… Tuy nhiên, nhiều ứng viên đã lúng túng và mắc sai lầm trong quá trình tìm kiếm một lá thư giới thiệu.
Xây dựng các mối quan hệ
Người viết thư giới thiệu thường là thầy cô, cấp trên hay có khi là trưởng nhóm hoạt động câu lạc bộ-đội-nhóm bất kỳ. Tất nhiên, nếu người viết thư giới thiệu là người có uy tín trong xã hội với chức vụ, học vị cao và được nhiều người biết đến trong một lĩnh vực cụ thể thì sức nặng của lá thư sẽ tăng lên rất nhiều.
Tuy nhiên, “điều kiện đủ của người viết thư chính là “người viết phải biết rõ về ứng viên để đảm bảo tính thuyết phục của lá thư” - một nghiên cứu sinh tại ĐH New South Wales (Úc), người từng đạt học bổng sau ĐH Endeavour và học bổng của Thủ tướng Úc năm 2011, chia sẻ trên trang nghiencuuquocte.net. Vị này cho biết thêm, tốt nhất nên chọn người mà bạn từng làm việc, học tập cùng… trong một thời gian đủ dài, ít nhất một năm. Ví dụ như sếp trực tiếp hoặc giáo viên hướng dẫn luận văn trong các bậc học trước, thầy cô giáo đã dạy bạn nhiều môn học…
Cần chọn người uy tín và hiểu mình để nhờ viết thư giới thiệu.
Nên nhớ rằng “bạn chọn” sẽ khác với chuyện “chọn bạn”. Thế nên cần có sự chuẩn bị trong việc xây dựng các mối quan hệ với những người viết thư giới thiệu tiềm năng. Trong quá trình học tập, làm việc chung cần chủ động trao đổi, nỗ lực thể hiện điểm mạnh của bản thân, có tinh thần khắc phục điểm yếu trên nền tảng thái độ tốt, kỷ luật tốt. Đó là yếu tố quan trọng để người bạn muốn nhờ viết thư giới thiệu, người vừa uy tín vừa hiểu bạn, “gật đầu” và hết mình để bạn đạt học bổng.
Khéo léo hỗ trợ người viết
Một trong nhiều sai lầm rất thường gặp của các ứng viên chính là “khoán trắng” lá thư cho người giới thiệu, những cá nhân vốn bận rộn và thường thiếu ít nhiều những thông tin về ứng viên. Thế nên điều quan trọng là ứng viên phải cung cấp đầy đủ nhất những thông tin về bản thân để người giới thiệu thuận tiện viết.
Thứ nhất, hãy cho người viết biết bạn cần gì trong lá thư. Tùy vào từng loại học bổng mà thư giới thiệu cần nhấn mạnh khả năng tự nghiên cứu; hoặc khả năng ngoại ngữ; hoặc tiềm năng trong học tập và nghiên cứu; hay khả năng lãnh đạo nhóm nghiên cứu… cũng như các đức tính liên quan: đạo đức khoa học, kỷ luật, thái độ… của ứng viên. Bởi nếu thiếu thông tin, người giới thiệu phải hỏi lại bạn, vừa phí thời gian lại không thuyết phục.
Vậy nên thông tin và yêu cầu của học bổng, bảng điểm, lý lịch khoa học, lý lịch cá nhân, kế hoạch nghiên cứu, những lưu ý về quan hệ giữa bạn và người viết cần được bạn chuẩn bị kỹ là chủ động gửi cho người viết thư.
Đừng tâng bốc, không ngại ngùng
Rất nhiều trường hợp người viết thư giới thiệu cho ứng viên bận rộn, không có thời gian để viết hoặc thiếu thông tin ứng viên nên ngại viết. Cho nên ứng viên nên chủ động đề nghị viết nháp để người viết xem xét và chỉnh sửa. Nghe qua rất dễ nhưng tự viết về bản thân lại là chuyện mà ứng viên rất hay mắc sai lầm. Nhiều trường hợp tự nâng bản thân lên tận mây và cũng không ít trường hợp ngại ngùng nên viết chung chung vì sợ “bệnh thành tích” trong thư giới thiệu. Cả hai trường hợp này đều dẫn đến hậu quả thư thiếu sự thuyết phục hoặc thiếu sức nặng.
Thế nên ứng viên nên tham khảo một số thư mẫu, tốt nhất là từ người đi trước hoặc tìm kiếm trên các diễn đàn du học, trên các trang web nước ngoài về thư giới thiệu… để xem xét những yếu tố, tiêu chí cần hay không cần đưa vào thư. Đặc biệt, nên hạn chế dùng các tính từ trong mô tả như rất, vô cùng, hoàn toàn… để hạn chế sự chủ quan, cảm tính.
Nhiều trường hợp người viết không biết ngoại ngữ, bạn nên dịch một bản tiếng Việt để họ xem xét, chỉnh sửa trước khi nhờ họ ký tên.
TRUNG NHÂN
Đừng nhờ tới nhờ lui chỉ một người Nhiều ứng viên nộp hồ sơ học bổng tại nhiều trường, nhiều tổ chức. Mỗi học bổng có thể yêu cầu một lá thư giới thiệu có “cái riêng” của ứng viên, phù hợp với tiêu chí của học bổng. Tuy nhiên, người viết thư giới thiệu sẽ không đủ thời gian và kiên nhẫn để viết cho bạn hết lần này đến lần khác. Vậy nên ứng viên cần: Chủ động tìm kiếm nhiều người viết thư giới thiệu; nhờ những người uy tín, hiểu bạn nhất viết thư giới thiệu những học bổng bạn thấy khả năng đạt cao nhất. |