Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), không nghi ngờ gì nữa, là một trong những sự kiện thường niên, thu hút sự chú ý của chính quyền các tỉnh. Bởi nó không phải là sự đánh giá từ phía nhà nước với doanh nghiệp, mà ngược lại, là sự tín nhiệm của doanh nghiệp đối với chính quyền.
15 năm qua, PCI từ chỗ bị chỉ trích, thậm chí là kỳ thị từ phía chính quyền cấp tỉnh đã trở thành một sự kiện quan trọng, được chờ mong và đón nhận. Đó là sự dịch chuyển không những về nhận thức trong quan hệ nhà nước - doanh nghiệp, mà còn là sự tiến bộ trong quan hệ ấy.
Dĩ nhiên, sẽ rất khó có thể kỳ vọng PCI như “cây đũa thần” một đêm biến đổi sự trì trệ thành năng động, sự tù mù thành minh bạch. Nhưng PCI đến nay cho thấy chính quyền cấp tỉnh đã trưởng thành hơn rất nhiều khi dám đối mặt với sự đánh giá không mấy dễ chịu từ phía doanh nghiệp. Nó khác với sự chỉ trích ban đầu rằng: “Làm sao doanh nghiệp lại đánh giá ủy viên trung ương?”.
Đương nhiên, vẫn có những sự không hài lòng trong nhiều kỳ công bố PCI trước đây khi kết quả xếp hạng không hẳn đã làm cho chính quyền tỉnh nào đó thấy được ghi nhận. Nhưng quanh quẩn trong năm năm trở lại đây, Đà Nẵng và Quảng Ninh thay nhau dẫn đầu PCI có thể là điều đáng suy nghĩ.
Có thể, quy mô và lợi thế của hai tỉnh này đã mang đến những kết quả tích cực. Nhưng điều đó cũng không có nghĩa là các tỉnh khác không thể vượt lên khi những điều kiện tự nhiên, xã hội có thể không kém gì Quảng Ninh, Đà Nẵng.
Có chăng thì sự kêu ca của doanh nghiệp sẽ theo một quy luật rằng: Địa phương nào tập trung doanh nghiệp nhiều hơn thì sự ca thán cũng nhiều hơn!? Chẳng hạn như Hà Nội và TP.HCM, hai địa phương chưa bao giờ đứng đầu bảng xếp hạng PCI danh giá này.
Năm nay, PCI đánh giá rằng: “Ở một số chỉ số thành phần của PCI, có tới 70%-80% doanh nghiệp bày tỏ sự hài lòng với cách ứng xử của cơ quan công quyền. Niềm tin của doanh nghiệp được tiếp tục khơi dậy”.
Ấy vậy nhưng cũng ngay sau đó có nhiều nhận xét hơi cũ như: “59% doanh nghiệp xây dựng trong hai năm qua gặp khó khăn trong thủ tục hành chính về đất đai, giải phóng mặt bằng; chi phí không chính thức đã giảm liên tục nhưng 50% số doanh nghiệp được khảo sát nói vẫn phải trả các chi phí không chính thức. Luật pháp chồng chéo, bất cập đang gây rủi ro cho những nỗ lực sáng tạo để vượt lên”.
Những vấn đề này không mới và đã được nhắc đi nhắc lại suốt 15 năm qua. Đã có những niềm tiếc nuối về cải cách. Như GS Trần Văn Thọ mới đây so sánh: Hàn Quốc chỉ mất 16 năm để chuyển từ nước thu nhập trung bình thấp lên trung bình cao. Đài Loan chỉ mất 12 năm để thành nước thu nhập trung bình cao. Còn Nhật Bản chỉ mất 15 năm sau chiến tranh để trở thành nước thu nhập trung bình cao và thêm 13 năm nữa để thành cường quốc kinh tế.
Còn chúng ta vẫn loay hoay với PCI và những giải pháp cải cách, giảm bớt thủ tục. Nhàm chán! Đến mức ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), phải thốt lên: “Tôi luôn có một điều ước giản dị, giá như doanh nghiệp nước mình không phải gian nan đối phó với thủ tục để toàn tâm toàn ý đối diện với thị trường thì đất nước sẽ còn phát triển đến đâu!”.