Đó là bệnh nhân B.V.N (35 tuổi) do BV Nguyễn Đình Chiểu (tỉnh Bến Tre) chuyển lên trong tình trạng lơ mơ, chóng mặt, sốt cao, xuất huyết da…
Tại BV Bệnh Nhiệt đới, bệnh nhân N. được khẳng định nhiễm liên cầu lợn đã vào giai đoạn sốc, nhiễm trùng huyết, viêm màng não mủ và suy đa tạng. Bệnh nhân được hồi sức tích cực bằng việc cho thở máy, kháng sinh mạnh, đồng thời lọc máu. Hiện bệnh nhân đang điều trị tại khoa Hồi sức tích cực và Chống độc người lớn, các dấu hiệu sinh tồn của bệnh nhân tạm ổn định.
Vợ bệnh nhân cho hay trước đó có mua huyết heo đã luộc sẵn về xào với giá và hai vợ chồng cùng ăn. Tuy nhiên sau đó chỉ có chồng có triệu chứng mệt, sốt cao và xuất huyết dưới da…
Trao đổi với báo chí, ThS-BS Nguyễn Văn Hảo, Trưởng khoa Hồi sức Tích cực Chống độc Người lớn, bệnh viện Bệnh Nhiệt đới (TPHCM) cho biết, liên cầu lợn có trong các chất bài tiết của lợn (heo) và lây qua người do tiếp xúc (qua vết thương) hay ăn uống trực tiếp mà chưa được nấu chín kỹ lưỡng. Khi vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể người, đi vào máu, lên não gây ra tình trạng viêm màng não mủ (tỷ lệ tử vong 2-3%) và nhiễm trùng huyết, sốc… có thể tử vong 80-90%.
Các BS cũng khuyến cáo nên chế biến sạch, nấu nướng chín kỹ lưỡng sản phẩm từ heo trước khi ăn. Tuyệt đối không ăn tiết canh… Việc nhiễm liên cầu lợn không chỉ có nguy cơ mất mạng mà còn tốn kém rất về chi phí điều trị…