Thương vụ Việt Nam tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) cho biết: Trong năm 2015 nơi này liên tục tiếp nhận, xử lý và phát hiện nhiều trường hợp doanh nghiệp Việt Nam nhận được thông tin chào bán, mua hàng hóa, ký kết hợp đồng giao dịch xuất nhập khẩu mang tính lừa đảo, gian lận từ một số doanh nghiệp có trụ sở tại UAE. Tổng số tiền mà Thương vụ ghi nhận và góp phần nhằm ngăn chặn, hạn chế mất mát cho doanh nghiệp lên đến gần 4 triệu USD với tám vụ việc.
Một trường hợp điển hình được Thương vụ Việt Nam tại UAE nêu ra là một doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu gạo nhận được hợp đồng từ khách hàng ARABIAN DISTRIBUTOR LLC ở Dubai với trị giá 2,3 triệu USD.
Sau khi nhận được đơn hàng, doanh nghiệp này đã vận chuyển 63 container lên tàu, trị giá đơn hàng là gần 1 triệu USD và hoàn tất bộ chứng từ xuất khẩu, đồng thời xuất trình bộ chứng từ cho ngân hàng của Việt Nam đại diện cho người bán, nhờ họ gửi bộ chứng từ đến ngân hàng Regnum Bank để đòi tiền. Bên cạnh đó, hãng chuyển phát nhanh DHL cũng cho biết ngân hàng thanh toán Regnum Bank đã nhận được bộ chứng từ.
Tuy nhiên, đến tháng 7-2015, phía doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa nhận được tiền thanh toán của đối tác. Trong lúc đó, theo thông tin từ phía hãng vận tải, khách hàng ARABIAN DISTRIBUTOR LLC đã liên hệ hãng tàu và cảng vụ để làm lệnh yêu cầu hãng tàu giao hàng.
Đến lúc này, doanh nghiệp mới tá hỏa và cầu cứu sự trợ giúp từ Thương vụ.
Theo Thương vụ Việt Nam tại UAE, sau rất nhiều nỗ lực của các bên và doanh nghiệp, hiện tại lô hàng 63 container gạo đã được chuyển về Việt Nam. Doanh nghiệp này đã phải trả số tiền lớn cho các chi phí phát sinh tại cảng cũng như vận chuyển về Việt Nam…
Đại sứ quán cũng đã có công điện gửi Hải quan cảng Sài Gòn và cơ quan thuế đề nghị xem xét cân nhắc việc doanh nghiệp nói trên phải đóng thuế nhập khẩu (tạm thời) 40% giá trị lô hàng theo quy định hiện hành để hạn chế các phí tổn mà doanh nghiệp phải chịu.
Thương vụ Việt Nam tại UAE khuyến cáo để doanh nghiệp trong nước khi làm ăn với các doanh nghiệp có trụ sở tại UAE đặc biệt lưu ý để tránh rủi ro có thể xảy ra. Cụ thể, doanh nghiệp cần chú trọng đầu tư phát triển nguồn nhân lực làm công tác xuất nhập khẩu, phát triển thị trường, nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ, kiến thức pháp luật.
Về phương thức thanh toán, cần thương lượng với đối tác để sử dụng hình thức thư tín dụng L/C không hủy ngang hoặc bảo đảm của ngân hàng có uy tín quốc tế để phòng ngừa nguy cơ không thanh toán hoặc gian lận của người mua. Khi đối tác mở L/C, cần đề nghị ngân hàng Việt Nam kiểm tra tính xác thực của L/C trước khi giao chứng từ. Chỉ áp dụng phương thức đặt cọc khi đã biết rõ mức độ tín nhiệm và có thời gian giao dịch đủ dài với đối tác (mức đặt cọc tối thiểu 20%-30%).