Điều đáng nói là vụ “làm thịt” rừng này có dấu hiệu được kiểm lâm khu bảo tồn “bật đèn xanh”.
Từ thông tin có một vụ phá rừng đặc biệt nghiêm trọng đang diễn ra tại tiểu khu 271 thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia Tà Cú (Hàm Thuận Nam, Bình Thuận), chúng tôi lập tức đột nhập vào rừng, tìm đến hiện trường. Trụ sở Khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia Tà Cú nằm cách quốc lộ 1A khoảng mười cây số và nơi rừng bị phá chỉ cách trụ sở chừng vài trăm mét.
Tan nát rừng quốc gia
Trái với những gì tưởng tượng của chúng tôi, rừng ở đây chỉ có vành đai xanh bên ngoài, còn phía trong là khoảng trống mênh mông, gốc cây bị chặt đốt, đất vừa cày xới lên. Tiến vào sâu hơn, chúng tôi phát hiện nhiều chỗ dựng lán, mắc võng của người phá rừng, họ làm bếp nấu ăn ngay giữa khu bảo tồn thiên nhiên. Với kiểu triệt hạ rừng thế này, gỗ không phải là thứ người ta nhắm đến mà chủ yếu là san bằng, chiếm đất sản xuất trong khu bảo tồn. Thật xót xa khi chứng kiến cây sến, trâm, vừng to bằng cổ tay trẻ nhỏ (dạng rừng IIIA1) bị chặt phá vô tội vạ , gom lại từng đống để đốt. Nhiều loại cây to hơn với đường kính 15-20 cm cũng bị “ken” quanh gốc rồi đốt để cây tự chết đứng.
Năm 1997, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định xác lập Tà Cú là khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia với diện tích trên 11.000 ha. Trong đó có hơn 3.500 ha thuộc phân khu bảo vệ nghiêm ngặt và hơn 7.700 ha thuộc phân khu phục hồi sinh thái. Theo Quỹ Quốc tế và bảo vệ thiên nhiên nhiên thế giới (WWF), Tà Cú thuộc vùng sinh thái Trường Sơn, là một trong 221 vùng sinh thái quan trọng trên thế giới. Đặc biệt là Khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia Tà Cú nằm trong tiểu vùng sinh thái quan trọng cần bảo tồn khẩn cấp (SA7, WWF, 2001)
Thế nhưng với kiểu san ủi trắng rừng tái sinh như trên đã phá hủy đa dạng sinh học ở đây. Đặc biệt, khu rừng đang bị phá nằm cạnh suối Vàng, một con suối nước chảy quanh năm và nhìn xuống óng ánh như vàng ròng. Theo các nhà khoa học, kiểm lâm viên thì suối Vàng là nơi mà các loài khỉ mặt đỏ, khỉ đuôi heo, voọc bạc Trường Sơn thường đến đùa giỡn, uống nước. Thế nhưng khi chúng tôi có mặt chỉ nghe tiếng ve kêu, rừng còn vắng cả tiếng chim muông. Phải chăng muông thú phải tháo chạy vì tiếng động của xe cơ giới san ủi rừng nhiều ngày qua?
Máy cày bị tạm giữ tại Hạt kiểm lâm Hàm Thuận Nam. |
Ai tiếp tay cho việc phá rừng?
Tiếp xúc với phóng viên, ông Trần Hữu Hải - Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Hàm Thuận Nam cho biết: “Ngày 21-4, hạt phát hiện một số người đưa máy cày vào cày ủi trong khu bảo tồn. Ngay sau đó, với chức năng quản lý, hạt đã thông báo cho ban quản lý khu bảo tồn kiểm tra, ngăn chặn. Thế nhưng một tuần sau (ngày 28-4), khi hạt kiểm tra lại thì việc san ủi vẫn tiếp diễn và diện tích rừng bị phá lên đến gần 100 ha..”.
Ngay sau đó, hạt kiểm lâm mời ban quản lý khu bảo tồn kết hợp làm rõ sự việc nhưng ban quản lý từ chối. Khó hiểu hơn là khi kiểm lâm viên Phạm Đình Chuyên (phụ trách địa bàn Tà Cú) muốn vào rừng kiểm tra thì ông Trần Minh Thạch - Giám đốc Khu bảo tồn Tà Cú không cho và viện lý do “quy chế rừng đặc dụng, muốn vào rừng phải xin phép”. Như vậy cả chục máy ủi, máy cày và hàng chục người vào rừng đặc dụng để cày ủi, chặt đốn cây rừng được ông Thạch cho phép chăng? Chúng tôi có mặt mấy ngày liền ở trụ sở khu bảo tồn để đề nghị làm việc với ban quản lý nhưng chỉ nhận được câu trả lời “Giám đốc và phó giám đốc đều đi vắng”.
Cây sến có đường kính trên 20 cm bị “ken” và đốt gốc cho chết đứng. |
Được biết, Hạt kiểm lâm Hàm Thuận Nam đang tạm giữ một máy cày của ông Đoàn Phước Yên (ngụ Chợ Mới, An Giang) do Nguyễn Xuân Thưởng (ngụ Xuân Lộc, Đồng Nai) điều khiển để san ủi hơn 10 ha rừng. Khi kiểm lâm lập hồ sơ vi phạm thì Yên, Thưởng bỏ đi, để máy cày lại hiện trường. Theo tìm hiểu của chúng tôi thì người trực tiếp đứng ra thực hiện “dự án phá rừng” đến từ Đồng Nai. Đất rừng của khu bảo tồn có dấu hiệu cho thuê và chính những người trong ban quản lý khu bảo tồn đã “bật đèn xanh” cho phá rừng? Một nguồn tin cho biết giá cho thuê đất tại đây là hơn hai triệu đồng/ha.
Theo ông Hải thì Hạt kiểm lâm Hàm Thuận Nam đã báo cáo sự việc lên Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Thuận, đồng thời hạt đề nghị cơ quan điều tra vào cuộc.
Thật là trái khoáy khi vụ phá rừng Tà Cú diễn ra rầm rộ thì ông Trần Minh Thạch - Giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia Tà Cú đang dự và phát biểu tham luận trong hội thảo “Nâng cao năng lực bảo tồn và nhận thức về đa dạng sinh học ở Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Cú” do Trung tâm Đa dạng sinh học và phát triển, Viện Sinh học nhiệt đới tổ chức.
Báo Pháp Luật TP.HCM sẽ theo dõi và tiếp tục thông tin đến bạn đọc vụ phá rừng nghiêm trọng này.
Theo Quỹ Quốc tế và bảo vệ thiên nhiên thế giới (WWF) Tà Cú là vùng đa dạng hệ sinh thái. Hệ thực vật có 751 loài và có ít nhất 15 loài thực vật quý hiếm. Hệ động vật có xương sống ở cạn có 178 loài, trong đó có những loài động vật quý hiếm mới phát hiện như gà gô, diều núi, voọc bạc Trường Sơn, chà vá chân đen... Vai trò cơ bản của Khu bảo tồn Tà Cú là điều hòa khí hậu, nguồn nước, bảo vệ đất chống cát bay, tạo cảnh quan phát triển du lịch sinh thái, di tích văn hóa cấp quốc gia, cung cấp nước ngọt sinh hoạt và nông nghiệp, bảo vệ môi trường cho vùng kinh tế biển Bình Thuận. |
NGUYỄN PHÚ NHUẬN