Liên quan đến hiện tượng 'Thiên Triều Nam Quốc' ở Bình Thuận, bà Trần Thị Minh Thu, Trưởng phòng Tín ngưỡng và các tôn giáo khác, Ban Tôn giáo Chính phủ, cho biết đã nhận được những trao đổi, thông tin ban đầu. Theo đó, 'Thiên Triều Nam Quốc' được phát hiện từ một vụ án hình sự do cơ quan tố tụng địa phương khởi tố, đang điều tra.
Cần kịp thời phát hiện, ngăn chặn, đẩy lùi các tà giáo
Theo bà Thu, hoạt động điều tra đang được tiến hành nhưng với thông tin ban đầu thì nhóm này mới ảnh hưởng ở phạm vi hẹp. Dù vậy, đối chiếu theo Điều 18 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo về điều kiện để tổ chức được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo, có thể thấy nội dung hoạt động của nhóm 'Thiên Triều Nam Quốc' thuộc trường hợp quy định tại Điều 5 của luật này về các hành vi bị nghiêm cấm.
Điều luật quy định rất rõ các hành vi bị nghiêm cấm như ép buộc, mua chuộc hoặc cản trở người khác theo hoặc không theo tín ngưỡng, tôn giáo; xâm hại đạo đức xã hội, xâm phạm thân thể, sức khỏe, tính mạng, tài sản; xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác; cản trở việc thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân...
Bà Thu cũng cho biết, qua công tác quản lý nhà nước thì thấy nhiều hiện tượng đạo lạ, tà đạo mang mục đích cá nhân của những người sáng lập. Họ lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo nhằm thu lợi cho bản thân và gia đình họ, lợi dụng niềm tin tâm linh của một bộ phận quần chúng để tuyên truyền, khuếch trương, phát triển đạo.
Sự du nhập các tôn giáo từ bên ngoài, sự hình thành các tôn giáo, tín ngưỡng mới là quá trình tự nhiên của đời sống xã hội. Hiến pháp và pháp luật bảo vệ về tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo ấy.
Tuy nhiên, bên cạnh các giá trị lành mạnh, tích cực, một số hiện tượng tôn giáo, tín ngưỡng, nhất là mới xuất hiện đang có những tác động tiêu cực tới từng cá nhân bị ảnh hưởng, lôi kéo, gia đình rồi rộng hơn là cộng đồng, ảnh hưởng xấu đến đời sống kinh tế, văn hóa xã hội của một bộ phận dân cư; cản trở việc thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân; xâm hại đạo đức xã hội; xâm phạm thân thể, sức khỏe, tính mạng, tài sản; xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác.
Hoạt động của một số tà đạo làm ảnh hưởng đến chính sách tự do tín ngưỡng, tôn giáo; ảnh hưởng trực tiếp đến các tôn giáo truyền thống, hợp pháp; gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước.
Cử tri và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực, cố gắng của lực lượng công an và các cơ quan chức năng nhất là việc triệt phá nhiều vụ án liên quan đến lợi dụng chức vụ, quyền hạn tham ô, tham nhũng; liên quan đến vận chuyển và mua bán trái phép chất ma túy. Đặc biệt là vụ mê tín dị đoan và liên quan đến tà đạo 'Thiên Triều Nam Quốc'. Cử tri và nhân dân đề nghị công an tỉnh, các địa phương có những biện pháp xử lý nghiêm các đối tượng phạm tội...
(Theo Báo cáo tóm tắt ý kiến, kiến nghị của cử tri HĐND tỉnh Bình Thuận sáng 17-7)
Giải quyết vấn đề này cần có nhận thức và chung tay của cả xã hội. Trong đó cần nhấn mạnh giải pháp tuyên truyền cho nhân dân nhận thức rõ về chính sách pháp luật và đời sống tín ngưỡng, tôn giáo để bà con nâng cao hiểu biết. Qua đó hiểu và phát huy những giá trị tốt đẹp của tín ngưỡng, tôn giáo.
Nhưng với những đối tượng cầm đầu tà giáo thì cần chế tài, xử phạt nghiêm minh theo quy định.
Báo chí là một kênh thông tin, tuyên truyền về vấn đề này. Vì vậy, cần tiếp tục phản ánh kịp thời các hiện tượng bất thường, chia sẻ thông tin với các cơ quan chức năng để cơ quan quản lý các cấp kịp thời phát hiện, ngăn chặn, đẩy lùi các tà giáo.
Hiểu đúng về đạo lạ
Về hiện tượng tôn giáo mới, đạo lạ, TS Dương Hoàng Lộc, Trưởng bộ môn Nhân học - Tôn giáo, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu tôn giáo, Trường ĐH KHXH&NV, ĐH Quốc gia TP.HCM, cho hay hiện tượng tôn giáo mới, đạo lạ xuất hiện ở Việt Nam trong khoảng 30 năm trở lại đây ngày càng nhiều và diễn biến phức tạp.
Lý do là việc mở cửa kinh tế, đón nhận nhiều người nước ngoài sinh sống, làm việc và những người này có mang theo tôn giáo của họ. Ngày nay, truyền thông phát triển, mạng xã hội ảnh hưởng nhanh chóng giúp các hiện tượng tôn giáo mới truyền bá dễ dàng hơn.
Một số nhà nghiên cứu cho rằng các hiện tượng tôn giáo mới xuất phát từ chủ nghĩa hậu hiện đại khiến con người cảm thấy muốn đi tìm cái mới lạ, hấp dẫn, đồng thời phá vỡ những nguyên tắc, quy định, chuẩn mực, truyền thống xác lập trước đó. Từ đó, một bộ phận người dân khó thích ứng với các tôn giáo lớn với quy trình, khuôn phép, họ cần quyền năng nhanh chóng, thay đổi vận mệnh, không quá phức tạp, đường tắt để nhanh chóng giải thoát, giác ngộ.
Hiện nay, ở nước ta, các hiện tượng tôn giáo mới có xu hướng xuất hiện ở địa bàn đô thị, khu công nghiệp và một số vùng nông thôn khó khăn.
Ở đô thị, nhiều công nhân, sinh viên xa nhà, xa quê, không còn gần gũi với truyền thống văn hóa gia đình, quê hương nên là đối tượng để các hiện tượng tôn giáo mới tiếp cận, truyền bá.
Hiện Việt Nam có 16 tổ chức tôn giáo được Nhà nước công nhận và hoạt động hợp pháp, còn các đạo lạ là nhóm nhỏ, có thủ lĩnh nhưng hoạt động nhỏ lẻ, quy mô nhóm kín, dễ phân tán. Đây cũng là điều gây khó cho công tác quản lý của cơ quan nhà nước.
Theo TS Lộc, để nhận định bản chất một hiện tượng tôn giáo mới, chúng ta cần phải theo dõi diễn biến, xem nó có biểu hiện gây mất đoàn kết gia đình và cộng đồng xã hội, làm sai quy định của pháp luật, có trái với truyền thống văn hóa dân tộc, hướng con người đến mê tín dị đoan, thiếu trách nhiệm với gia đình, xã hội hay không; xem có phù hợp với giá trị, đạo đức nhân loại, truyền thống dân tộc, quy định của pháp luật…
Điều quan trọng là nâng cao năng lực quản lý về tôn giáo và tuyên truyền nhận thức cho người dân hiểu một cách đúng đắn về tôn giáo, lựa chọn tôn giáo nào phù hợp với giá trị nhân loại, đạo đức, truyền thống, văn hóa của dân tộc để đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng phát triển.
'Thiên Triều Nam Quốc' phạm phải các hành vi bị nghiêm cấm
Theo quy định tại Điều 18 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 thì tổ chức được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:
(1) Có giáo lý, giáo luật, lễ nghi;
(2) Có tôn chỉ, mục đích, quy chế hoạt động không trái với quy định của pháp luật;
(3) Tên tổ chức không trùng với tên tổ chức tôn giáo hoặc tổ chức đã được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo, tên tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội hoặc tên danh nhân, anh hùng dân tộc;
(4) Người đại diện, người lãnh đạo tổ chức là công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; không trong thời gian bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo; không có án tích hoặc không phải là người đang bị buộc tội theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự;
(5) Có địa điểm hợp pháp để đặt trụ sở;
(6) Nội dung hoạt động tôn giáo không thuộc trường hợp quy định tại Điều 5 của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo (các hành vi bị nghiêm cấm).
Rõ ràng 'Thiên Triều Nam Quốc' ở Bình Thuận không đáp ứng đủ các điều kiện nêu trên để được cấp có thẩm quyền cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo theo Điều 19 của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo.
Hoạt động của nhóm 'Thiên Triều Nam Quốc' cũng phạm phải các hành vi bị nghiêm cấm theo Điều 5 của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo.
Theo Điều 64, nếu tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. M.CHUNG