Ngày 20-8, báo chí đồng loạt đưa tin tác giả ảnh Mahmoud Raslan đã ủng hộ nhóm nổi dậy Nour al-Din al-Zinki hành hình trẻ em.
Trong ảnh đăng trên Facebook ngày 5-8, Mahmoud Raslan tươi cười chụp ảnh chung với các tay súng Nour al-Din al-Zinki, trong đó có Omar Salkho và Mohammed Mayuf là hai chỉ huy của nhóm này tại Aleppo. Hai tên này đã từng tham gia vụ cắt cổ em bé người Palestine tên Abdallah Issa 10 tuổi ở Aleppo với lý do em ủng hộ quân đội chính phủ.
Đoạn băng cắt cổ được phát tán trên YouTube hồi giữa tháng 7 đã khiến dư luận phẫn nộ. Ngày 25-7, đại diện thường trực của Syria đã nêu vụ này trước Hội đồng Bảo an LHQ. Sau đó, nhóm nổi dậy Nour al-Din al-Zinki lên tiếng nhìn nhận “đây là hành vi lạm dụng và là nhầm lẫn của cá nhân”.
AFP giải thích văn phòng của AFP ở Beirut (Lebanon) thường xuyên theo dõi nguồn thông tin từ Aleppo Media Center (cơ quan truyền thông của quân nổi dậy ở Aleppo), từ đó biết được ảnh chụp em bé Omran Daqneesh của Mahmoud Raslan.
AFP khẳng định tác giả ảnh là “nhà hoạt động chống chế độ”, không tham gia hoạt động quân sự nhưng quen biết nhiều tay súng nổi dậy, vì vậy mới tiếp xúc với nhóm nổi dậy Nour al-Din al-Zinki. AFP cho rằng chính phủ Syria đang mở chiến dịch tuyên truyền đả kích tác giả ảnh Mahmoud Raslan.
Đài truyền hình RT (Nga) khẳng định đến nay vẫn chưa xác định mối liên hệ giữa tác giả ảnh Mahmoud Raslan với nhóm nổi dậy Nour al-Din al-Zinki sâu đến mức nào và Mahmoud Raslan có biết tội ác của nhóm này khi đăng ảnh chụp chung trên Facebook.
Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Nga lên tiếng bác bỏ thông tin máy bay Nga ném bom vào khu vực em Omran Daqneesh cư trú ở Aleppo trong đêm 17-8. Bộ Quốc phòng Nga khẳng định máy bay Nga không bao giờ hoạt động trên các khu vực có dân cư và khu phố Al-Kvaterdzhi mà báo chí nước ngoài cho rằng đã bị máy bay Nga ném bom chính là khu phố nằm cạnh hai hành lang nhân đạo Nga mới mở để sơ tán dân ở Aleppo.