Tách nước bẩn, ngăn cá chết trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè

Trung tâm Chống ngập TP.HCM vừa đề xuất phương án trên nhằm giải quyết tình trạng ô nhiễm trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè một cách căn bản, lâu dài.

Trước mắt, Trung tâm Chống ngập sẽ tăng tần suất nạo vét, vệ sinh lòng cống thu gom nước thải cũng như chủ động vận hành hệ thống rút nước “chết” (nước tù đọng) tại vị trí giếng thu gom nhằm giảm thiểu lượng nước kênh bị ô nhiễm.

Sau vụ cá chết hàng loạt trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè trong tháng 5-2016, để tìm giải pháp khắc phục hiệu quả, Sở NN&PTNT đã yêu cầu Trung tâm Chống ngập cung cấp thông tin về việc vận hành hệ thống thoát nước ở tuyến kênh này.

Cá chết nhiều trên kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè do nước thường bị ô nhiễm vào đầu mùa mưa. Ảnh: TRUNG THANH

Theo đó, Trung tâm Chống ngập cho biết tuyến cống bao dọc kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè có tiết diện 3.000 mm, là đường cống tự chảy. Tuyến cống này có tổng chiều dài 8.396 km được lắp đặt dọc dưới lòng kênh bắt nguồn từ đầu kênh (Hợp lưu với đường Út Tịch - Lê Bình, quận Tân Bình) kéo dài đến trạm bơm Nhiêu Lộc - Thị Nghè ở đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh).

Tuyến cống bao trên có đáy nằm khoảng sâu -8,54 m ở thượng nguồn sâu -13,89 m ở trạm bơm nhằm chuyển toàn bộ lượng nước thải và một phần nước mưa về trạm bơm. Trên tuyến cống có 34 giếng Shaft chính, 19 giếng Shaft phụ và 59 thiết bị tách dòng - công trình xả tràn.

Các công trình xả tràn (CSO) được thiết kế để thu gom toàn bộ lượng nước thải và một phần nước mưa, từ tuyến cống trong khu vực của dự án. Bao gồm các quận 1, 3, 10, Tân Bình, Phú Nhuận và Gò Vấp về trạm bơm Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Đồng thời chúng cũng có chức năng ngăn nước kênh chảy ngược vào hệ thống tuyến cống khi triều cường lên trong mùa khô.

Trên tuyến cống bao Ø3000 được lắp đặt các công trình rút nước “chết”. Hệ thống này sẽ rút nước “chết” ở trên kênh vào tuyến cống bao Ø3000. Việc thau rửa kênh sẽ bắt đầu khi con nước đứng vào lúc triều xuống và kết thúc khi con nước đứng lúc triều lên…

Tuy nhiên, theo các chuyên gia về thủy lợi, khi thủy triều từ sông Sài Gòn chảy vào chỉ thau rửa được đoạn kênh ở hạ nguồn. Trong khi đó, một lượng nước “chết”, chứa các chất nhiễm bẩn tích tụ ở thượng nguồn kênh, không thể thoát kịp ra ngoài lúc triều ròng. Do đó, khi lượng nước mưa đổ dồn về nhiều làm nước bẩn tràn ra kênh và gây ra hiện tượng cá chết.

Nguyên lý hoạt động của hệ xả tràn trên tuyến kênh Nhiêu Lộc - Thị  Nghè 

Tình trạng ô nhiễm làm cá chết trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (nhất là ở đoạn thượng nguồn) đã xảy ra liên tiếp vào đầu các mùa mưa từ năm 2014 đến nay. Theo thống kê của Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị, trong ba năm qua đã có hơn 100 tấn cá chết trên tuyến kênh này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới