Theo BS Dương, trong gây mê có ba nguy cơ gây ra cho người bệnh: Thứ nhất là do chính người bệnh đã có nguy cơ sẵn bởi những bệnh tiềm tàng; thứ hai là các loại thuốc đưa vào người; thứ ba là kinh nghiệm của người làm gây mê và cuối cùng là cuộc phẫu thuật nào cũng có những nguy cơ khi gây mê phối hợp với phẫu thuật. Vì phẫu thuật cũng có thể đòi hỏi người gây mê phải tăng thuốc, tăng dịch, tăng thuốc hồi sức có nghĩa là cũng có thể tăng nguy cơ biến chứng.
Cũng theo BS Dương, chuyên ngành gây mê là một ngành cực kỳ nguy hiểm. Chính vì thế trong 10 ngành có lương cao nhất ở Mỹ thì bác sĩ gây mê đứng đầu. Ở Việt Nam ngành gây mê chưa được chú trọng lắm, bệnh nhân đi mổ thường chọn bác sĩ phẫu thuật, không mấy ai để ý đến bác sĩ gây mê. Bác sĩ gây mê phải khám cho bệnh nhân một cách kỹ càng trước khi mổ để phát hiện ra các bệnh lý nội khoa như tim mạch, nội tiết, các bệnh lý khác để biết cách điều trị, đưa ra những chỉ định sử dụng thuốc trong ca gây mê cũng như điều trị cho bệnh nhân trong và sau mổ.
“Thực tế ở Việt Nam dường như bác sĩ gây mê chỉ được phép gây mê, trong trường hợp muốn khám bệnh nội khoa phải xin phép mới được” - BS Dương chia sẻ.
Theo BS Dương, một bệnh nhân suy tim có thể viêm ruột thừa, hay bệnh nhân bị ung thư giai đoạn cuối cũng có thể cấp cứu trong một bệnh cảnh ngoại khoa. Bác sĩ gây mê sẽ phải gây mê trong tất cả trường hợp như thế. Theo tiêu chuẩn của Hội Gây mê hồi sức thế giới cũng như Việt Nam, có những tiêu chuẩn đưa ra để tránh tăng nguy cơ cho người bệnh.
“Trong 32 năm làm gây mê hồi sức, tôi may mắn chưa gặp trường hợp nào sốc phản vệ tử vong. Những phản ứng thường gặp như dị ứng, tụt huyết áp, nổi mề đay, ngứa… đều xử lý được. Trường hợp hai bệnh nhân tử vong sau gây mê tại BV Trí Đức vừa qua là điều rất sốc đối với những người làm trong chuyên ngành gây mê. Nó cũng là trường hợp khá hi hữu, làm cho ngành gây mê phải nhìn lại. Tôi đang chờ cơ quan chức năng kết luận vấn đề này như thế nào” - BS Dương chia sẻ.